Nhóm nghị sĩ Mỹ đề xuất khôi phục trung tâm thời Chiến tranh Lạnh vì Trung Quốc
Ngày 28/7, một nhóm nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đệ trình dự luật về việc thành lập lại một trung tâm từ hồi Chiến tranh Lạnh để nâng cao hiểu biết về Trung Quốc cùng các đối thủ chiến lược tiềm năng khác của Mỹ.
Nghị sĩ Joaquin Castro. (Ảnh: Reuters)
Dự luật của Hạ viện Mỹ do 2 nghị sĩ Dân chủ Joaquin Castro và Bill Keating cùng 2 nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher và Brian Fitzpatrick đệ trình kiến nghị thành lập Trung tâm dịch thuật và phân tích (OTAC) để tập trung vào Trung Quốc.
Trung tâm này sẽ trực thuộc Dịch vụ thông tin phát thanh nước ngoài (FBIS). Trước đây, nhiệm vụ của trung tâm này là dịch thuật và phân tích các thông tin về Liên Xô và báo chí chính phủ nước ngoài trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Dự luật đề xuất dành khoản ngân sách 80 triệu USD mỗi năm bắt đầu từ 2022 đến 2026 và có thể những năm tiếp theo nữa nếu cần.
Dự luật nói rằng OTAC sẽ “dịch một cách hệ thống những bài phát biểu, tài liệu, báo cáo, chiến lược, bài báo, bài bình luận, hợp đồng mua sắm của hoặc liên quan đến nhà nước/đảng/quân đội Trung Quốc sang tiếng Anh rồi xuất bản miễn phí trên mạng”.
Giống như FBIS, OTAC sẽ cung cấp “những phân tích quan trọng về nhà nước/đảng/quân đội và chú thích để những người không phải chuyên gia cũng có thể hiểu về những khẩu hiệu và khái niệm của Đảng, cũng như ý nghĩa của các tài liệu dựa trên nguồn tin và cá nhân”.
Nghị sĩ Castro nói rằng để “vừa cạnh tranh và hợp tác hiệu quả” với những nước như Trung Quốc và Nga, Mỹ cần hiểu họ hơn.
“Hiểu biết sâu sắc về các nước khác sẽ cần phải đọc về cách họ giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ”, ông Castro nói với Reuters.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden gọi Trung Quốc là “phép thử địa - chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này và nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao hiểu biết về Trung Quốc.
Môi trường báo chí ở Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn kể từ thời hoàng kim của FBIS trong Chiến tranh Lạnh và việc mở rộng đáng kể việc giám sát các nguồn thông tin như đề xuất của dự luật sẽ rất tốn kém.
Rất nhiều tài liệu từ Trung Quốc lâu nay vẫn được dịch và lưu hành miễn phí trên mạng, nhưng dự luật OTAC đề xuất tập hợp tất cả lại trong một website.
Những người đề xuất dự luật cho rằng trung tâm này sẽ phục vụ Mỹ và các chính phủ đồng minh, cũng như giới học giả, chuyên gia phân tích và nhà báo.