Nhóm người mua bán thông tin thuê bao của Viettel, Vinaphone, Mobifone
Sử dụng tài khoản do Vinaphone cấp, Việt Anh đăng nhập hệ thống để trích xuất thông tin thuê bao, đem bán cho người khác kiếm lời.
Chiều 15/3, TAND Hà Nội xét xử 8 bị cáo liên quan vụ mua bán trái phép hàng nghìn thông tin thuê bao của 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel và Mobifone.
Cán bộ kỹ thuật bán thông tin khách hàng
Hồ sơ vụ án cho thấy 3 bị cáo Phạm Ngọc Tỉnh (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH 247 Việt Nam), Nguyễn Thế Hùng (39 tuổi) và Nguyễn Bắc Tích (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Tâm) thành lập các công ty thám tử. Họ tìm mua thông tin định vị số điện thoại, lịch sử cuộc gọi và tài khoản ngân hàng để bán và phục vụ kinh doanh.
Năm 2019, khi nhóm của Tỉnh hỏi mua dữ liệu, Bùi Việt Anh (36 tuổi, Phó trưởng Trung tâm an ninh mạng thuộc Tổng công ty hạ tầng mạng VNPT Net) đã sử dụng tài khoản được cấp trên hệ thống Vinaphone, rồi đăng nhập hệ thống dữ liệu nhà mạng Vinaphone. Sau đó, Việt Anh trích xuất thông tin thuê bao và danh sách cuộc gọi để bán cho Tỉnh với giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng/thông tin.
Với các số điện thoại của Viettel và Mobifone, Việt Anh mua thông tin điện thoại, thông tin định vị với giá 1-1,8 triệu đồng/thông tin rồi bán lại 1,2-2 triệu đồng/thông tin. Ngoài ra, bị cáo còn mua danh sách lịch sử cuộc gọi với giá 1-1,8 triệu đồng rồi bán lại với giá 2,5-5,5 triệu đồng/danh sách. Từ năm 2019 đến khi bị bắt, Bùi Việt Anh mua bán 50 số điện thoại của Vinaphone và 400 số điện thoại của Viettel, Mobifone. VKS cáo buộc bị cáo hưởng lợi hơn 300 triệu đồng.
Đối với nhóm bị cáo Tỉnh, cơ quan tố tụng làm rõ trong các năm 2019-2021, họ mua bán thông tin của hơn 600 số điện thoại và hưởng lợi tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Làm giả công văn cơ quan điều tra để thu thập dữ liệu
Còn với bị cáo Trần Mạnh Quân (cựu cán bộ Công an quận Long Biên, Hà Nội), người này quen Việt Anh thông qua việc tra cứu số điện thoại để phục vụ công việc. Năm 2019, khi Việt Anh nhờ, Quân đã lấy thông tin liên quan đến số điện thoại các nhà mạng Viettel và Mobifone để bán cho khách hàng.
Nhà chức trách làm rõ bị cáo Quân làm giả 142 công văn lấy danh nghĩa cơ quan CSĐT gửi các nhà mạng để thu thập dữ liệu của 1.007 số điện thoại. Sau đó, Quân bán lại cho Việt Anh, hưởng lợi bất chính hơn 250 triệu đồng.
Ngoài các cá nhân trên, cuối năm 2019, các bị cáo Ma Duy Thanh nói với Nguyễn Tuấn Minh về việc Thanh làm việc tại Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang. Sau đó, Minh đã mua thông tin cá nhân của nhiều người (họ tên, hộ khẩu, nơi làm việc, số điện thoại...) từ Thanh với giá từ 200.000 đến 1 triệu đồng/thông tin.
Quá trình điều tra, Ma Duy Thanh cùng Nguyễn Tuấn Minh thừa nhận hành vi. Trong đó, Thanh khai bản thân hưởng lợi gần 149 triệu đồng, còn Minh hưởng lợi trên 206 triệu đồng.
Bị cáo còn lại là Nguyễn Tiến Thành đã lợi dụng nghề nghiệp làm dịch vụ về SIM điện thoại để sử dụng tài khoản hệ thống Mobile Billing & Customer Care System của Viettel và SIM đa năng Eload của Vinaphone để truy cập hệ thống 2 nhà mạng này. Sau đó, Thành lấy thông tin liên quan đến số điện thoại rồi bán cho Nguyễn Tuấn Minh, hưởng lợi bất chính 140 triệu đồng.
Xác minh tại Viettel, cơ quan điều tra làm rõ tài khoản của Thành chỉ được phép làm các dịch vụ nhà mạng, không lấy được thông tin chủ thuê bao. Còn tại Vinaphone, Thành dùng SIM Eload mua của hội nhóm trên mạng xã hội.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên Bùi Việt Anh 30 tháng tù về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Cùng tội danh này, tòa tuyên Phạm Ngọc Tỉnh, Nguyễn Bắc Tích và Ma Duy Thanh cùng 15 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Thế Hùng lĩnh 12 tháng tù, Nguyễn Tiến Thành 18 tháng tù, Nguyễn Tuấn Minh 20 tháng tù treo.
Riêng bị cáo Trần Mạnh Quân lĩnh tổng mức án 6 năm tù về các tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.