Nhóm nhạc Việt 'yểu mệnh'
Trong khi các nhóm nhạc thần tượng ở Hàn Quốc hay quốc tế tồn tại và phát triển nhiều năm là điều bình thường, thì ngược lại, việc duy trì nhóm nhạc ở VPop luôn là một điều khó khăn.
Những năm gần đây, thị trường nhạc Việt có sự phát triển mạnh mẽ và nhiều sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ ít nhiều đã tạo được dấu ấn riêng với bạn bè quốc tế. Trong đó, xu hướng thành lập nhóm nhạc thần tượng theo làn sóng KPop hay trào lưu âm nhạc Âu - Mỹ vốn được nhiều nhà sản xuất đặt kỳ vọng và đầu tư tâm sức, tiền bạc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều nhóm nhạc Việt ra mắt với hình ảnh và quảng cáo rầm rộ, chỉ sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng rơi vào im lặng.
Điển hình là nhóm nhạc mang tên SGO48 với phong cách JPop (âm nhạc đại chúng Nhật Bản) đầy mới mẻ và lạ lẫm. Ngay từ lúc đầu ra mắt, SGO48 gây “choáng” cho khán giả khi đây là nhóm nhạc có số lượng thành viên đông nhất được quảng bá. Nhưng đằng sau sự ồn ào, náo nhiệt ấy, cả hình ảnh lẫn âm nhạc của SGO48 lại mang đến nhiều ý kiến trái chiều cho khán giả.
Theo đó, hình ảnh phong cách nữ sinh có phần sặc sỡ, nhí nhảnh được xem là không phù hợp với thị hiếu của người yêu nhạc Việt. Chưa hết, phần âm nhạc được phổ lời Việt từ một ca khúc Nhật cũng khiến người nghe khó lòng thưởng thức ngay được, nên SGO48 vừa ra mắt đã nhận lấy sự thất bại trên thị trường nhạc Việt.
Trong khi nhóm SGO48 lựa chọn đi theo hướng JPop thì nhiều nhóm nhạc khác ở Việt Nam được xây dựng theo nhóm nhạc thần tượng của Hàn Quốc như: Lip B, Uni5, LIME, Zero9… Mặc dù nhóm Uni5 được đánh giá là nhóm có cả thanh lẫn sắc và hoạt động khá tích cực từ ngày ra mắt, nhưng đến nay, Uni5 vẫn giậm chân tại chỗ và chưa tạo điểm nhấn rõ ràng, chưa vươn lên được.
Còn nhóm LIME cũng từng được kỳ vọng sẽ là nhóm nhạc nữ thần tượng vì được đào tạo bài bản theo mô hình Hàn Quốc cũng như hội tụ đủ yếu tố ngoại hình, sắc vóc, vũ đạo. Nhưng sau vài năm hoạt động, ngoài những MV nhỏ lẻ cùng với việc thay đổi thành viên liên tục, cuối cùng LIME cũng tuyên bố tan rã.
Một nhóm nhạc khác được kỳ vọng không kém là Zero9 do ông bầu Tăng Nhật Tuệ xây dựng theo mô hình và phong cách Hàn Quốc. Song, cũng như bao nhóm nhạc Việt khác, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, khi chưa kịp tạo ra dấu ấn âm nhạc đậm nét nào thì Zero9 lại khiến khán giả thất vọng với những tranh cãi về đạo nhái ý tưởng, cũng như ồn ào chuyện đời tư của các thành viên.
Nhìn lại thời gian trước những nhóm nhạc trẻ đó, nhiều nhóm nhạc Việt cũng trải qua không ít thăng trầm như nhóm 365, Vmusic, La Thăng, GMC, hay xa hơn nữa phải kể đến những nhóm nhạc đình đám trong ký ức của khán giả một thời như Mây Trắng, Mắt Ngọc, MTV, 3 Con Mèo… Nhưng sau nhiều năm hoạt động, các nhóm nhạc Việt ngày mất vị thế trên thị trường và cũng dần tan rã như một quy luật đã định sẵn ở VPop.
Lý giải về điều này, ca sĩ Thiên Vương - thành viên nhóm MTV - cho biết, xu thế nhạc trẻ bây giờ ngày càng thay đổi và có nhiều gương mặt mới xuất hiện, nếu như các nhóm nhạc không kịp thay đổi thì việc đi… thụt lùi là điều tất yếu. Chưa kể đến tâm lý, thị hiếu của khán giả theo từng năm sẽ có những thay đổi về hình tượng thần tượng nên việc các nhóm nhạc Việt bị khán giả trẻ lãng quên là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, Aiden - quản lý của nhóm nhạc Monstar - cho rằng, vốn dĩ thị trường nhạc Việt luôn khắt khe với các nhóm nhạc, trong khi đó, các sản phẩm âm nhạc của các nhóm nhạc Việt hiện nay chưa được đầu tư đúng mức hay chất lượng chưa đủ tạo ra những ấn tượng mạnh, thì việc ghi dấu ấn cho khán giả thực sự là điều không tưởng.
Còn nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ thừa nhận, khó khăn để các nhóm nhạc Việt tồn tại và phát triển chính là yếu tố cát-sê trả cho nhóm hát chưa được tương xứng so với chi phí mà họ bỏ ra để đầu tư cho âm nhạc, hay cho sinh hoạt của cả nhóm với số lượng đông người. Ngoài ra, yếu tố sân khấu đủ rộng và đủ chất lượng để nhóm nhạc đông người biểu diễn vẫn còn là một bài toán khó cho các nhà tổ chức biểu diễn ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, thị trường âm nhạc Việt hiện tại không còn là một sân chơi lý tưởng dành cho các nhóm nhạc Việt như 1-2 thập niên trước. Có lẽ, các nhóm nhạc Việt cần sáng tạo nhiều hơn cũng như có những đổi mới trong hình thức hoạt động thì mới có thể tạo cho mình một vị trí riêng trong lòng khán giả, nếu không muốn phải “sống mòn” hoặc “yểu mệnh”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhom-nhac-viet-yeu-menh-565864.html