Nhóm penny có dấu hiệu thoái trào

Từ cuối tháng 5/2024, 'sóng' cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) bất ngờ nổi lên, không ít cổ phiếu bật tăng mạnh, thu hút dòng tiền đầu cơ ưa mạo hiểm và những nhà đầu tư lướt sóng có khẩu vị rủi ro cao, nhưng đang có dấu hiệu điều chỉnh.

Dòng tiền thời gian qua chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ

Dòng tiền thời gian qua chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ

Cổ phiếu ITD của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong tính đến ngày 21/6/2024 đạt 19.100 đồng/cổ phiếu, tăng trên 50% so với phiên 28/5 và giao dịch diễn ra sôi động, trong khi nhiều tháng trước đó dao động quanh mệnh giá và thanh khoản ở mức thấp.

Trong thời gian ngắn hơn, cổ phiếu PSB của Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Sao Mai - Bến Đình, cổ phiếu SHC của Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn, cổ phiếu TTN của Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam có mức tăng giá tương tự. Thậm chí, cổ phiếu E29 của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật 29 còn tăng hơn gấp đôi…

Trước tình trạng cổ phiếu nhỏ tăng nóng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sẵn sàng mua đuổi với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) đang gây rủi ro cao cho nhà đầu tư.

“Những cổ phiếu penny mang tính đầu cơ thường có thanh khoản thấp. Sau giai đoạn mọi người kéo nhau đầu cơ penny và giá đến nay đã tăng mạnh thì nhà đầu tư sẽ suy nghĩ đến việc chốt lời. Nhưng ai sẽ là người mua lại số cổ phiếu đã ở vùng giá cao, tăng vài chục phần trăm, thậm chí hơn 100% trong thời gian ngắn đó? Nhà đầu tư không kịp nhìn ra câu chuyện này mới thật ái ngại”, ông Minh nói.

Theo Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital), việc tìm kiếm các cơ hội đủ hấp dẫn đang trở nên khó khăn hơn và dòng tiền bộc lộ tính đầu cơ, chấp nhận rủi ro cao khi xuất hiện nhiều trường hợp giá vượt xa hoặc bỏ qua các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Trong môi trường lãi suất thấp, dòng tiền dễ bị cuốn vào các cuộc đầu cơ phi lý kéo dài.

“Khi nguồn lực của thị trường bị thu hút mạnh vào các cuộc đầu cơ, kết cục sau cùng thường không tốt đẹp cho cả những người đầu cơ và thị trường nói chung”, SGI Capital nhấn mạnh.

Thực tế, giá cổ phiếu càng lên cao thì thanh khoản càng giảm, có nghĩa lượng nhà đầu tư chấp nhận mua với giá cao đang giảm dần. Nhìn lại diễn biến nhóm cổ phiếu penny kể trên, thanh khoản một số mã gần đây giảm dần, đà tăng chững lại và xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh, dù mức giảm chưa lớn như ở PSB, SHC.

Ông Minh nhận xét, đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy dòng tiền có thể sẽ sớm rút ra khỏi nhóm này.

Nhìn rộng hơn cả thị trường, trong khoảng 10 phiên cuối tháng 5 và 10 phiên đầu tháng 6/2024, VN-Index dao động đi ngang quanh mức 1.280 điểm, đến phiên 12/6 chinh phục được ngưỡng 1.300 điểm sau 2 năm chờ đợi, nhưng chỉ duy trì được 2 ngày thì giảm.

“Cổ phiếu penny không thể kéo VN-Index lên 1.300 điểm được. Dòng tiền hiện tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình (midcap) như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản càng cho thấy rõ rủi ro với cổ phiếu penny. Sớm thôi, nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với cổ phiếu penny nữa”, ông Minh dự báo.

Trong giai đoạn hiện tại, chuyên gia tại Yuanta Việt Nam khuyến nghị, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mà nên theo dõi diễn biến của những cổ phiếu tăng mạnh nhất và dần chốt lời, bởi chỉ cần một vài mã “đổ đèo” có thể sẽ kéo những cổ phiếu khác “đổ” theo. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên phân bổ lại tỷ trọng, ưu tiên vốn cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và midcap.

Mặc dù vậy, cơ hội vẫn sẽ xuất hiện ở một vài cổ phiếu được gọi là “penny tăng trưởng”. Đây là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, nhưng vì một vài biến cố mà giá giảm sâu, trở thành penny. Nếu quan sát thấy doanh nghiệp có tín hiệu tăng trưởng, cơ bản doanh nghiệp tốt, ban lãnh đạo có trách nhiệm, thì đó sẽ là cơ hội để đầu tư.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhom-penny-co-dau-hieu-thoai-trao-post348016.html