Nhóm phản đối quân đội Myanmar thông báo thành lập 'Chính phủ đoàn kết quốc gia'
Nhóm phản đối chính quyền quân sự Myanmar hôm 16/4 thông báo thành lập 'Chính phủ Đoàn kết quốc gia'.
Theo đó, “Chính phủ Đoàn kết quốc gia” sẽ gồm các thành viên của quốc hội dân sự trước chính biến, các lãnh đạo phong trào biểu tình và nhóm dân tộc thiểu số.
Nhóm này tuyên bố mục đích của họ là kết thúc sự lãnh đạo của quân đội và khôi phục nền dân chủ.
Myanmar rơi vào hỗn loạn và bạo lực sau khi quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự ngày 1/2, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi là gian lận.
Các cuộc biểu tình phản đối quân đội bắt đầu nổ ra trên khắp Myanmar, một số dẫn đến đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Theo một nhóm quan sát các cuộc biểu tình, hơn 700 người đã thiệt mạng.
“Xin hãy chào mừng chính phủ của người dân”, Min Ko Naing, một nhân vật nổi bật của phong trào biểu tình, phát biểu trong video dài 10 phút thông báo sự hình thành của tổ chức mới.
Trong thông báo thành lập, nhóm cũng chỉ định một số vị trí lãnh đạo. Min Ko Naing cho biết ưu tiên của nhóm là “ý chí của người dân”.
Các nhà lãnh đạo "chính phủ thống nhất" cho biết họ có ý định thành lập quân đội liên bang và đang đàm phán với các lực lượng dân tộc thiểu số.
Theo Reuters, quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar tiếp tục diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau, từ “biểu tình im lặng” ở Yangon đến các cuộc tuần hành ở Mandalay và những nơi khác. Dù đang trong thời gian của lễ hội mừng Năm mới, đường phố Yangon không còn đông đúc như mọi năm.
“Hãy làm đường phố im lặng. Chúng ta phải thể hiện nỗi đau trước những người đã hy sinh mạng sống. Tiếng nói im lặng là tiếng nói lớn nhất”, Ei Thinzar Maung, một người biểu tình nói.
Ngày 16/4 là ngày thứ 3 trong lễ hội Năm mới truyền thống Phật giáo kéo dài 5 ngày ở Myanmar, còn được gọi là Thingyan.
Trong khi đó, bà Suu Kyi vẫn đang bị bắt giữ sau chính biến 1/2 và chỉ “xuất hiện” trước thế giới bên ngoài thông qua các video.
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, trong đó có Myanmar, sẽ gặp nhau tại Indonesia vào ngày 24/4 để thảo luận về tình hình, theo truyền thông Thái Lan và Indonesia.