Nhóm phụ huynh viết đơn cầu cứu để con được học trường gần nhà
Nhà ở khu vực Cầu Giấy nhưng lại thuộc quản lý của Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhóm phụ huynh đã viết đơn cầu cứu, hy vọng cho con học trái tuyến tại trường gần nhà.
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Diệu Thuần, cư dân chung cư Dreamland Bonanza ở 23 Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết tập thể phụ huynh sống tại đây đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan ban ngành từ ngày 9/4.
Những người này cho biết từ năm 2018 đến 2021, họ đã mua nhà tại tòa chung cư này với mong muốn con, cháu được học trường công lập chất lượng cao của quận Cầu Giấy. Trong hợp đồng mua bán, căn nhà có địa chỉ tại 23, Duy Tân, Cầu Giấy.
Tuy nhiên, khi đăng ký tạm trú, họ mới biết tòa nhà thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Gần một năm qua, họ đề nghị chủ đầu tư giải thích việc chào bán nhà ở quận Cầu Giấy nhưng thực tế lại ở quận Nam Từ Liêm song chưa được giải quyết.
"Chúng tôi đã phải vay mượn khắp nơi cùng mức lãi suất cao để mua nhà tại quận Cầu Giấy với mong muốn con cháu được học đúng nguyện vọng. Trong tình cảnh nợ nần chồng chất, chúng tôi không còn khả năng tài chính để con cái theo học các trường tư thục ở Cầu Giấy", phụ huynh nêu khó khăn.
Ngoài ra, bà Thuần cho biết thêm nếu học đúng tuyến Nam Từ Liêm, trường gần nhất cũng cách nơi ở 2-3 km, khó khăn trong việc đưa đón.
Vì thế, tập thể phụ huynh làm đơn cầu cứu, đề nghị các cơ quan, ban, ngành xem xét cho con em họ, độ tuổi từ mẫu giáo đến THPT, học tập tại các trường thuộc quận Cầu Giấy.
Theo thống kê, hiện tại, tòa nhà có 101 trẻ mẫu giáo, 103 học sinh tiểu học, 86 học sinh THCS, 45 học sinh THPT.
Vì sắp đến giai đoạn tuyển sinh, bà Thuần mong muốn nhóm phụ huynh có thể nhận được câu trả lời từ cơ quan quản lý sớm.
Vấn đề này cũng được lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy nêu tại Hội nghị hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2021-2022; xét tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021; thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2021 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 16/4.
Theo đó, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết không riêng dân cư tại tòa nhà ở 23 Duy Tân, các năm trước, người dân ở khu vực giáp ranh Cầu Giấy - Tây Hồ cũng có nguyện vọng cho con học tại các trường thuộc Cầu Giấy.
Ông Ngọc Anh cho biết quan điểm của phòng là cần xem xét tình hình thực tế. Trong trường hợp các trường thuộc quận Nam Từ Liêm quá xa như phụ huynh phản ánh, Cầu Giấy sẽ xem xét tiếp nhận nhưng không thể tiếp nhận tất cả.
"Thông thường, người dân ở khu vực giáp ranh có nguyện vọng cho con học ở Cầu Giấy. Do đó, phòng phải để các trường tiếp nhận hết học sinh đúng tuyển rồi mới xem xét tiếp nhận học sinh ở vùng lân cận", ông Ngọc Anh nói.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, cũng thông tin sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Cầu Giấy và Từ Liêm tham mưu UBND hai quận để kiểm tra kỹ tình hình thực tế ở khu vực này.
Phòng GD&ĐT Cầu Giấy xem xét điều kiện cơ sở vất chất, đội ngũ giáo viên của trường tại vùng giáp ranh, nghiên cứu để dự kiến xem đáp ứng được không. Nếu điều kiện đáp ứng được, phòng GD&ĐT đề xuất với UBND quận Cầu Giấy để tiếp nhận bổ sung học sinh khu vực giáp ranh như cách quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm làm trước đây.
Ông Toản nói thêm để đảm bảo tuyến do UBND quận thống nhất, ông đề nghị phòng GD&ĐT, trong trường hợp tiếp nhận những học sinh này, cần phối hợp với phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng để cập nhật vào hệ thống phần mềm, tránh để những em này trở thành học sinh trái tuyến.