Trong tuyên bố, Hàn Quốc cho rằng động thái tái triển khai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ là “rất hiếm”, nhằm thể hiện quyết tâm của liên minh Mỹ - Hàn “trong việc đáp trả mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên”.
Cuối tháng trước, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã rời vùng biển Nhật Bản sau cuộc tập trận chung với hải quân Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.
Trong tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Bình Nhưỡng lên án Washington vì triển khai mẫu hạm tân tiến nhất ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố nêu thêm việc này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của tình hình.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan thuộc biên chế Hạm đội 7 hải quân Mỹ, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka, Nhật Bản.
Đây là hạm đội tiền phương lớn nhất của Mỹ, sở hữu 70-90 tàu chiến, 300 máy bay, cùng 40.000 binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến.
USS Ronald Reagan cũng là tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ, được triển khai thường trực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
USS Ronald Reagan (CVN-76) là một siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Đây là chiến hạm thứ 9 trong số 10 chiếc của lớp Nimitz được đóng.
Tàu được đặt theo tên của Ronald Reagan, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 40 tại vị từ năm 1981 đến năm 1989. Vào buổi lễ xuất xưởng năm 2001, nó là con tàu đầu tiên được đặt theo tên của một vị cựu tổng thống vẫn sống.
Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Mỹ mang sức mạnh kinh hoàng với nòng cốt là tàu sân bay mang đến 90 máy bay chiến đấu các loại, bên cạnh đó là từ 1-2 tàu ngầm hạt nhân, 2-3 tuần dương hạm, 3-4 khu trục hạm, cùng một số tàu hậu cần.
Hải quân Mỹ đang vận hành 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, nên có 10 nhóm tác chiến tàu sân bay.
Đội hình hộ tống cho tàu sân bay có thể thay đổi tùy vào tính chất nhiệm vụ.
Tàu sân bay là trung tâm sức mạnh của CSG. Nó mang theo các tiêm kích trên hạm, máy bay tác chiến điện tử, cảnh báo sớm và trực thăng, tổng cộng lên tới 90 chiếc.
Hàng không mẫu hạm đảm nhận vai trò điều phối và chỉ huy toàn bộ hoạt động của nhóm.
Máy bay chiến đấu chủ lực của CSG là tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet. Ở nhiệm vụ tấn công, F/A-18 sẽ không kích các căn cứ nằm sâu trong đất liền của đối phương.
Loại máy bay này cũng đảm nhận vai trò phòng vệ và ngăn chặn tầm xa đảm bảo an toàn cho tàu sân bay và toàn bộ nhóm tác chiến.
Mỗi tàu sân bay Mỹ đều có máy bay cảnh báo sớm làm "tai mắt". Chúng bay liên tục khi tàu sân bay tác chiến
Với đội hình hộ tống, tuần dương hạm lớp Ticonderoga đảm nhận vai trò ngăn chặn tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay đối phương tiếp cận nhóm tác chiến.
Sức mạnh của tuần dương hạm này là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis.
Ngoài nhiệm vụ chính là phòng vệ cho CSG, tuần dương hạm Ticonderoga có thể phóng tên lửa Tomahawk tấn công các mục tiêu sâu trong đất liền.
Ticonderoga được trang bị tới 122 ống phóng thẳng đứng Mk41 có thể mang theo nhiều loại tên lửa khác nhau.
Bên cạnh đó, nó còn đảm nhận vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo, một phần của hệ thống Aegis BMD.
Thành phần trong nhóm tàu sân bay có sức mạnh đáng gờm nữa là tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đây là chiến hạm cũng có vai trò phòng không, chống hạm, chống ngầm.
Tàu được trang bị những vũ khí tinh vi nhất của Hải quân Mỹ, có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào đe dọa đến nhóm tác chiến.
Cốt lõi sức mạnh của Arleigh Burke là hệ thống chiến đấu Aegis được thiết kế để đối phó với một loạt các mối đe dọa khác nhau.
Lớp tàu khu trục này được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng Mk41 có thể tấn công đất liền bằng tên lửa Tomahawk và phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga thiết lập ô phòng thủ trên không, mặt biển và dưới nước bảo vệ cho CSG.
Các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles hoặc Virginia đảm nhận vai trò trinh sát và phòng vệ dưới nước cho CSG.
Tàu ngầm thường đi trước để trinh sát và cảnh báo cho nhóm tác chiến về hoạt động của tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương.
Trong các nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm, một tàu ngầm sẽ dẫn đầu nhóm và một tàu khác canh chừng ở phía sau đội hình.
Nó có thể tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước đối phương đe dọa an toàn của tàu sân bay cũng như toàn bộ nhóm.
Ngoài ra, nó có thể phóng tên lửa Tomahawk tấn công các mục tiêu sâu trong đất liền một cách bí mật.
Cuối cùng là các tàu hậu cần có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu hàng không cho máy bay trên tàu sân bay và dầu diesel cho đội tàu hộ tống.
Việt Hùng