Nhóm tình nguyện viên 10 năm miệt mài thu gom hơn 140 tấn rác điện tử

Sau thời gian dài thực hiện, chương trình Việt Nam tái chế tiếp nhận và xử lý hơn 140 tấn rác thải điện tử từ các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số khiến vòng đời của những thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính, tivi...) ngắn, nhanh chóng rơi vào tình trạng lỗi thời. Riêng Việt Nam mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn/năm. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề thu gom rác thải điện tử, không để ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người.

Sự phát triển của công nghệ, khiến cho những sản phẩm lỗi thời phải kết thúc vòng đời sớm hơn. (Ảnh: VNTC)

Sự phát triển của công nghệ, khiến cho những sản phẩm lỗi thời phải kết thúc vòng đời sớm hơn. (Ảnh: VNTC)

Thu gom rác thải điện tử miễn phí

Ra đời cách đây 10 năm, chương trình Việt Nam tái chế (Vietnam Recycles) - tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện đứng ra thực hiện thu hồi, tái chế miễn phí các rác thải điện tử. Chương trình nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều người và chính quyền địa phương.

Theo bà Mai Thị Thu Hằng, đại diện chương trình Việt Nam tái chế: "Sau thời gian dài thực hiện, tính đến tháng 6/2024 tổ chức này tiếp nhận và xử lý hơn 140 tấn rác thải điện tử từ các hộ gia đình và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Có những thời điểm chương trình nhận được tới hơn 30 tấn rác điện tử/năm".

Các tình nguyện viên phải gõ cửa từng nhà, vừa để giải thích về lợi ích của việc tái chế rác thải điện tử đúng cách trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, vừa trực tiếp thu gom rác thải điện tử. Chương trình đồng thời phối hợp với UBND các địa phương thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền, thu gom rác thải điện tử và ngày càng nhận được sử ủng hộ của người dân.

Đến nay, cả nước hơn 10 điểm thu hồi thiết bị điện tử cũ ở Hà Nội và TP.HCM.

Số lượng rác thải điện tử sau khi được thu gom sẽ được phân loại, thông thường tỷ lệ tái chế sẽ từ 50-70% tùy từng loại thiết bị. Những vật liệu không có giá trị thu hồi sẽ được đưa vào hệ thống xử lý chất thải nguy hại chuyên biệt, bà Mai Thị Thu Hằng chia sẻ.

Chương trình Việt Nam tái chế đến tận nhà hỗ trợ người dân xử lý rác điện tử. (Ảnh: VNTC)

Chương trình Việt Nam tái chế đến tận nhà hỗ trợ người dân xử lý rác điện tử. (Ảnh: VNTC)

Đại diện của chương trình Việt Nam tái chế chia sẻ, nhiều người thói quen sau khi không sử dụng thiết bị điện tử sẽ bán cho các cửa hàng thu mua phế liệu hoặc bỏ vào thùng rác cùng với rác sinh hoạt. Các chất thải điện tử này sau đó sẽ được đưa đi xử lý bằng phương thức đốt hoặc chôn lấp thông thường cùng với rác sinh hoạt. Điều này gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người và môi trường.

Trên thực tế, hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy thông dụng nhất như một số chiếc điện thoại cũng sử dụng tới 17 chất hóa học, trong đó nhiều chất hiếm như Neodymium, Europium, Xeri. Các nguyên tố này nếu ở liều lượng lớn đều có thể gây thảm họa với sức khỏe con người. Đặc biệt trong màn hình và bóng đèn huỳnh quang của thiết bị điện tử đều có thủy ngân.

Theo báo cáo nêu trên của Liên Hợp Quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 50 tấn thủy ngân được sử dụng cho việc sản xuất màn hình và bóng đèn huỳnh quang.

Cần có nhà máy xử lý, tái chế rác thải điện tử

Ngoài chương trình Việt Nam tái chế, nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác cũng nỗ lực thực hiện thu gom rác thái điện tử, thay đổi nhận thức của người dân trong những năm qua, nhưng số lượng rác thải điện tử bị loại bỏ của nước ta vẫn còn cao hơn rất nhiều.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 68 công ty được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử với công suất xử lý từ 0,25 - 30 tấn/ngày. Các công ty phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, trong đó chỉ một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới phải đối diện với lượng rác thải điện tử lớn cần phải xử lý.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới phải đối diện với lượng rác thải điện tử lớn cần phải xử lý.

Các công ty được cấp phép phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, chỉ một số nhỏ công ty đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu và chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.

Đánh giá về hiện trạng xử lý, tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Dung, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam kỳ vọng: "Việt Nam cần nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh trong nước và dần dần nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát".

Theo Báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020" của Liên hợp quốc công bố, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn.

Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030.

Chí Hiếu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhom-tinh-nguyen-vien-10-nam-miet-mai-thu-gom-hon-140-tan-rac-dien-tu-ar886225.html