Nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tới Việt Nam
Sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Mỹ-Việt đã được xây dựng trên nền tảng ngoại giao nhân dân và quan hệ đối tác chặt chẽ trong nhiều thập niên.
Hôm nay, Chương trình Hòa bình chào đón nhóm 10 tình nguyện viên đầu tiên tới Việt Nam. Trọng tâm của chương trình là giảng dạy tiếng Anh, theo như Hiệp định thực thi được ký kết vào năm 2020 giữa chính phủ hai nước với cơ quan thực thi là Chương trình Hòa bình cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GDĐT).
Các tình nguyện viên sẽ làm việc tại một số trường THPT tại các quận, huyện của Hà Nội từ đầu tháng 1/2023, sau khi kết thúc 10 tuần tập huấn toàn diện nhằm nâng cao năng lực hiểu biết về văn hóa, cũng như các kỹ năng cần thiết trong công tác giảng dạy hiệu quả, phù hợp với hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Tình nguyện viên sẽ được phân công đồng giảng dạy cùng với giáo viên tại địa phương.
Chương trình Hòa bình là cơ quan độc lập thuộc ngành hành pháp của Chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm vận hành chương trình tình nguyện nhằm hỗ trợ chính phủ các nước sở tại trong công tác thực thi các ưu tiên phát triển. Kể từ khi Tổng thống John F. Kennedy thành lập chương trình vào năm 1961, cho đến nay đã có hơn 240.000 tình nguyện viên là công dân Mỹ phục vụ tại trên 142 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 143, theo lời mời và đối tác với chương trình.
Sứ mệnh của Chương trình Hòa bình là thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị thế giới thông qua ba mục tiêu: Hợp tác với người dân tại các quốc gia có nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo; Tăng cường hiểu biết của người dân Mỹ về các nước họ đã phục vụ; Tăng cường hiểu biết về người dân Mỹ của nhân dân các quốc gia tiếp nhận tình nguyện viên.