Nhóm Vingroup và ngân hàng giúp VN-Index tăng hơn 10 điểm
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng mới ghi nhận sự đà hồi phục khá tích cực của chỉ số VN-Index, khi nhận được trợ lực lớn của bộ ba cổ phiếu VIC, VHM, VRE, cùng diễn biến đảo chiều từ một số mã ngân hàng lớn như VCB, MBB, STB...

Sau những phút cuối của phiên sáng cho tín hiệu hạ nhiệt, thị trường bước vào phiên chiều đã cho thấy áp lực điều chỉnh mạnh hơn, dù không quá lớn nhưng cũng đủ khiến VN-Index lùi dần về tham chiếu ngay khi xuất hiện nhiều mã đỏ hơn trong nhóm bluechip.
Tuy nhiên, lực cầu cũng nhanh chóng quay trở lại, giúp sắc xanh mở rộng trên bảng điện tử, trong khi đó, nhiều mã trong nhóm VN30 cũng đảo chiều nhích nhẹ, nhất là các mã ngân hàng và các cổ phiếu nhà Vingroup vẫn đứng vững đã giúp chỉ số VN-Index bật lên, tăng hơn 10 điểm khi đóng cửa.
Điểm trừ là thanh khoản toàn thị trường suy giảm khá mạnh và dòng tiền thiếu đi sự tự tin để xác nhận xu hướng hồi phục dài hơi, đáng tin cậy hơn.
Chốt phiên, sàn HOSE có 308 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index tăng 10,47 điểm (+0,80%), lên 1.317,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 620 triệu đơn vị, giá trị 15.025,6 tỷ đồng, giảm 29% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,8 triệu đơn vị, giá trị 1.439 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong phiên hôm nay vẫn là bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup, với VRE tiếp tục dẫn đầu mức tăng trong nhóm VN30 khi +4,44% lên 19.950 đồng, khớp hơn 16,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VHM +3,3% lên 52.900 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị và VIC +2,9% lên 59.700 đồng, khớp 7,75 triệu đơn vị và hai mã này đóng góp tổng cộng gần 4 điểm cho VN-Index.
Như đã đề cập, một số cổ phiếu bluechip khác đã đảo chiều tăng hỗ trợ chỉ số, trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý nhất với những cái tên lớn như BID, VCB, VPB, CTG, HCB, TCB, dù mức tăng chỉ trên dưới 1%. Tuy nhiên, hai mã khác là MBB +2,1% lên 24.600 đồng và STB +3,7% lên 39.650 đồng.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ với một số cổ phiếu ngành khoáng sản, khai thác đã đồng loạt nới đà đi lên, với YBM, FCM, BMC, TNT đã chạm mức giá trần, dù thanh khoản không quá ấn tượng.
Các mã khác như SMC, HVH cũng đã tăng hết biên độ, với SMC phiên này khớp được hơn 3,11 triệu đơn vị, HVH khớp gần 0,6 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, lực cung gia tăng tại một số cổ phiếu, nhưng không quá nhiều, với FRT -6,8% xuống 154.000 đồng, SHI -4,8% xuống 14.950 đồng, CTR -4,1% xuống 98.700 đồng, TSC -3,9% xuống 2.940 đồng và DPR -3.4% xuống 46.900 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã lùi về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên chiều, nhưng cũng đã được kéo mạnh trở lại sau đó và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 1,35 điểm (+0,58%), lên 236,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,1 triệu đơn vị, giá trị 720 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 28,4 triệu đơn vị, giá trị 407,7 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có hơn 4,37 triệu cổ phiếu SHS ở mức giá trần, trị giá 371,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vươn lên là mã thanh khoản cao nhất sàn với 11,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng nới đà đi lên, +3,5% lên 14.900 đồng.
Các cổ phiếu khác phía sau như VFS, MBS, VTZ, HUT, DL1, PVS, CEO, với khối lượng khớp lệnh từ 1,41 triệu đến 2,36 triệu đơn vị đều chỉ có mức tăng nhẹ.
Một số cổ phiếu khoáng sản cũng đã thu hút một bộ phận dòng tiền, với KSV, BKC, MIC, MVB đã tăng hết biên độ, dù thanh khoản không cao.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng bị đẩy ngược về tham chiếu trong phiên chiều và giằng co nhẹ, trước khi có nhịp bật lên dứt khoát về cuối ngày.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,40%), lên 98,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,7 triệu đơn vị, giá trị 401,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,6 triệu đơn vị, giá trị 103,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSR vẫn là cái tên thu hút dòng tiền nhất, khớp lệnh cao nhất với hơn 4,82 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm đã tăng kịch trần trước khi đóng cửa còn +12,4% lên 20.800 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng. Trong đó, VN30F2504 tăng 6 điểm, tương đương +0,44% lên 1.365,9 điểm, khớp lệnh hơn 130.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch khá ảm đạm, với CVPB2407 thanh khoản cao nhất phiên này cũng chỉ hơn 2,3 triệu đơn vị khớp lệnh và dừng ở tham chiếu 220 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2407 với 1,77 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 7,5% lên 430 đồng/cq.