Nhóm Wagner ở châu Phi sẽ ra sao sau khi mất thủ lĩnh Prigozhin?
Yevgeny Prigozhin, ông chủ tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, được cho là đã tử nạn ngày 23/8 trong vụ rơi máy bay gần Moscow. Hiện vẫn còn nhiều nghi vấn quanh cái chết của Prighozin. Song có một câu hỏi đang hiện lên rất rõ: Hoạt động của Wagner sẽ ra sao nếu không có ông trùm này?
Ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Phi
Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner do Yevgeny Prigozhin thành lập năm 2014 vốn được nhắc đến nhiều sau khi tham chiến tại Ukraine và làm nên những chiến thắng lớn như tại mặt trận Bakhmut hồi đầu năm nay. Nhưng trên thực tế, Wagner không chỉ ghi dấu tại Ukraine.
Mấy năm gần đây, lực lượng của Prighozin đã in dấu chân ở rất nhiều nơi tại châu Phi, từ Bắc Phi cho tới Trung Phi và Tây Phi. Trong đó, nối bật là khu vực Sahel, dải đất khô cằn trải dài hơn 3 triệu km2 cắt ngang châu Phi, nằm ở phía Nam sa mạc Sahara như một vùng chuyển tiếp giữa Bắc và Trung Phi.
Tại Sahel, các nhóm vũ trang thánh chiến có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức khủng bố Al-Qaeda ngày càng gia tăng hoạt động, khiến các chính phủ ở nơi đây, chẳng hạn như Mali, Burkina Faso hay Niger… phải chật vật đối phó. Cùng với tình trạng tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh với nhau, và giữa các lãnh đạo quân sự với chính quyền dân sự, bài toán an ninh ở khu vực này trở nên hết sức nan giải.
Bối cảnh ấy là mảnh đất màu mỡ để Wagner xâm nhập và bén rễ. Theo báo Foreign Policy, binh sĩ của Wagner đang hoạt động ở ít nhất 8 quốc gia châu Phi, tham gia đủ các loại hình dịch vụ an ninh: Từ bảo vệ các cơ sở khai mỏ, đảm bảo an ninh cho các yếu nhân cho đến thay thế quân đội chính quy để chiến đấu với khủng bố và bảo vệ lãnh thổ.
Chẳng hạn tại Cộng hòa Trung Phi, lực lượng Wagner được thuê để bảo vệ Faustin-Archange Touadéra và chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang nổi dậy. Ước tính có khoảng 1.000 lính đánh thuê Wagner đồn trú tại Cộng hòa Trung Phi kể từ năm 2018, và ngoài việc vận hành như một quả đấm thép trên chiến trường, lính Wagner còn tham gia bảo vệ các cơ sở khai thác kim loại quý của chính quyền.
Sự hiện diện lớn thứ hai của Wagner là ở Mali. Tại đây, Wagner hỗ trợ chính quyền quân sự hiện tại kiểm soát đất nước và trấn áp các cuộc nổi dậy của những chiến binh Hồi giáo thánh chiến. Theo giáo sư khoa học chính trị Kimberly Marten của Đại học Columbia (Mỹ), Wagner cũng đang hợp tác với một trong hai phe quân sự trong cuộc nội chiến ở Sudan, đó là lực lượng bán quân sự có tên Hỗ trợ nhanh (RSF) của tướng Mohammed “Hemedti” Hamdan Daglo.
Ngoài ra, Wagner cũng hiện diện khá sâu tại Đông Libya, họ làm việc với lãnh chúa của khu vực đó đó, Khalifa Haftar, để đảm bảo hệ thống phòng không của ông ta được vận hành hiệu quả, qua đó bảo vệ các nguồn tài nguyên dầu khí mà Haftar kiểm soát.
Rắn mất đầu hay rắn mọc thêm đầu?
Nhưng sau những báo cáo cho rằng thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, có thể đã chết trong vụ tai nạn máy bay ở Nga, nhiều người hiện đang tự hỏi liệu sự hỗ trợ quân sự từ tập đoàn quân sự tư nhân này tại châu Phi có không thay đổi hay không?
Đối với Ryan Cummings, Giám đốc đánh giá các nguy cơ rủi ro của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), có vẻ như các hoạt động của Wagner ở châu Phi sẽ “tiếp tục như những gì họ đã làm trong vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm qua trong một số bối cảnh nhất định”.
Cummings nói rằng tương lai của nhóm lính đánh thuê ở châu Phi vẫn còn nguyên vẹn, dù Prizgozhin không còn tham gia hay chỉ huy lực lượng này. "Nếu bạn nhìn vào cấu trúc của nhóm Wagner ở các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Mali, Sudan và Libya, không có dấu hiệu ngay lập tức nào cho thấy lực họ sẽ dừng hoạt động hoặc thậm chí là gián đoạn hoạt động đáng kể cũng không”.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với DW, ông Fidele Gouandjika, cố vấn của Tổng thống Cộng hòa Trung Phi (CAR) Faustin-Archange Touadera, nói rằng quan hệ giữa nước ông và các lực lượng bán quân sự (từ Wagner) vẫn sẽ như cũ. Ông Gouandjika nói: “Chúng tôi có một thỏa thuận quốc phòng và các lực lượng bán quân sự đi cùng chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của họ như trước đây. Họ sẽ tìm một người đứng đầu khác”.
Trong khi đó, ở Mali, thậm chí còn có nhiều vướng mắc tài chính hơn giữa chính quyền quân sự với Wagner và các công ty con của tập đoàn này. Vào cuối năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã xác định một căn cứ quân sự mới đang được xây dựng ở Mali. Những người chứng kiến tại hiện trường sau đó xác nhận rằng căn cứ này là của quân Wagner.
Các báo cáo tình báo của phương Tây cho hay, Mali - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - đã chi 10 triệu USD mỗi tháng, nghĩa là hơn 100 triệu euro mỗi năm, cho lính đánh thuê Wagner. Wagner cũng có cổ phần đáng kể trong lĩnh vực dầu mỏ của Mali, thậm chí kiểm soát hiệu quả giá dầu xuất khẩu của nước này.
Do đó, theo đánh giá của nhà sử học Irina Filatova, giáo sư danh dự và nghiên cứu viên cao cấp của Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi, mỗi nhánh của Wagner ở châu Phi có thể định vị mình độc lập trong một tương lai tiềm năng hậu Prigozhin.
Bởi vậy có thể nhận định rằng lợi ích và mối quan hệ giữa Wagner và các đối tác ở lục địa đen tới đây sẽ không thay đổi, ngay cả khi Yevgeny Prigozhin không còn ở đó nữa.