Nhộn nhịp dịch vụ chăm sóc mai kiểng

Với người dân miền Nam, hầu như gia đình, cơ quan, công sở nào cũng có một vài cây mai trưng trong ngày tết Nguyên đán. Những cây mai ấy có thể là mua hoặc thuê. Và sau tết, đa số những cây có giá trị đều được gửi đến các nhà vườn, doanh nghiệp chăm sóc. Do vậy, dịch vụ chăm sóc mai ngày càng hút khách, qua đó tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 9-2 (tức mồng 9 tháng giêng năm Nhâm Dần 2022) đến nay, gia đình ông Phạm Ngọc Danh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bon sai hoa mai thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành đã bắt đầu nhận lại những cây mai vàng cho khách thuê và các cơ quan của tỉnh, huyện gửi chăm sóc. Mặc dù số lượng không quá nhiều nhưng đa số đều là những cây lớn, có giá trị từ 10 đến 40 triệu đồng. “Việc chăm sóc rất bận rộn và tỉ mỉ vì sau khi nở hoa, cây mai bị mất sức, chơi tết xong mình phải cắt cành, tạo tán. Tán cây phải được thu lại tối thiểu 1/3 đường kính hiện có. Sau khi tạo tán, tất cả hoa, nụ còn sót lại đều phải lặt bỏ để cây được nghỉ ngơi. Những cây đã trồng trong chậu nhiều năm sẽ được nhổ ra, cắt bớt rễ đáy; đồng thời thay đất, phân bón để cây phát triển tốt” - ông Danh chia sẻ.

Những cây mai vàng sau khi trưng tết xong được khách hàng chở đến thuê ông Phạm Ngọc Danh (lái xe nâng) chăm sóc

Những cây mai vàng sau khi trưng tết xong được khách hàng chở đến thuê ông Phạm Ngọc Danh (lái xe nâng) chăm sóc

Là một trong những hộ kinh doanh mai vàng lớn nhất thị trấn Chơn Thành, dịp tết vừa qua, gia đình anh Lê Văn Huy ở tổ 2, ấp 1, xã Thành Tâm bán ra thị trường hàng trăm cây. Sau tết, rất nhiều người thuê anh Huy chăm sóc mai nhưng anh chỉ nhận những cây do anh bán ra vì làm không xuể. “Thực sự công việc chăm sóc mai cũng không khó khăn gì nhưng thao tác rất tỉ mỉ. Cây mai bị bệnh gì thì mình phải chăm sóc và có chế độ riêng cho từng cây. Vì thực tế có những cây bán cho khách giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhận cây nào mình phải chăm sóc tốt cây ấy chứ không thể nhận bừa được” - anh Huy chia sẻ.

Từ dịch vụ chăm sóc mai, những cơ sở kinh doanh cây cảnh như của ông Danh, anh Huy đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động phổ thông ở trong, ngoài tỉnh. Nhà ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Chí Hòa đến làm việc cho anh Huy từ ngày 10-2. Công việc hằng ngày của ông là trộn phân bón và tuốt hoa, nụ mai. Còn anh Điểu Krot và một số người bạn của mình ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cũng đến làm việc cho ông Danh từ sau rằm tháng giêng. Anh Điểu Krot cho biết: Vì là mối quen nhiều năm nên chủ vườn, doanh nghiệp liên lạc qua điện thoại trước với tôi. Chúng tôi tạo thành một nhóm lao động phổ thông, thường xuyên hỗ trợ nhau khi cần. Công việc cũng không vất vả, chủ yếu là vận chuyển, di dời vị trí của cây, sau đó thực hiện các công đoạn chăm sóc theo hướng dẫn của ông chủ. Công việc này thường kéo dài hết tháng giêng. Thu nhập bình quân của chúng tôi từ 400-500 ngàn đồng/người/ngày.

“Mai vàng tượng trưng cho mùa xuân ở khu vực miền Nam. Kinh tế phát triển thì thú chơi cây cảnh nói chung và chơi mai vàng nói riêng của người dân ngày càng phổ biến. Những cơ sở kinh doanh mai vàng đang góp phần tạo nên giá trị cả về kinh tế, văn hóa và tinh thần. Mong rằng, với sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương sẽ giúp các nhà vườn sản xuất, kinh doanh mai vàng ngày càng ổn định, phát triển, đồng thời từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu mai vàng Bình Phước” - ông Nguyễn Duy Khánh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Chơn Thành chia sẻ.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/131082/nhon-nhip-dich-vu-cham-soc-mai-kieng