Nhộn nhịp đón Tết trên công trường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam, các nhà thầu đang tranh thủ những ngày trời đẹp, nắng gắt, chia làm nhiều ca thi công cả ngày lẫn đêm, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó đoạn qua Bình Thuận dài 47,7km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,3km. Toàn tuyến chia thành 4 gói thầu xây lắp, có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh.
Tranh thủ trời nắng, phá đá xẻ núi
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà thầu và công nhân, kỹ sư sẽ ăn Tết ngay tại công trường và tranh thủ những ngày trời đẹp, nắng gắt, chia làm nhiều ca thi công cả ngày lẫn đêm để kịp thông xe kỹ thuật cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây theo đúng cam kết với Chính phủ và Bộ GTVT.
Từng vạt nắng gắt, oi bức hất thẳng xuống khu vực gói thầu số 4 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, chúng tôi men theo con đường công vụ giữa những làn bụi quyện lên theo làn gió tới công trường dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Dầu Giây-Phan Thiết.
Xe chạy được 6km trước mặt chúng tôi là một quả núi đá cao, đi vòng ra phía sau núi. Không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân miệt mài phá từng tảng đá kèm tiếng máy mọc ầm ầm, bụi quyện thành từng đám bay theo làn gió trên công trường.
Cẩn thận bước xuống từ chiếc máy khoan đá, mặt mày mồ hôi lấm lem vì bụi, đất, đá tháo nhẹ chiếc khẩu trang, anh Vũ Văn Dũng, Đội trưởng thi công nổ mìn phá đá nói: “Có đến đây làm mới thấu được sự vất vả, mệt nhọc của anh em công nhân công trình giao thông”.
Chỉ tay lên phía trên cao anh Dũng nói: “Đây là gói thầu khó thi công nhất trong 4 gói thầu thuộc dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết. Địa chất ở đây toàn bộ là đá granite có màu xanh rất cứng, chúng tôi phải dùng những mũi khoan lớn nhất, cứng nhất để khoan vào đá, nổ mìn để lấy mặt bằng thi công cao tốc”.
Kéo tấm khăn mặt vắt trên vai để lau mồ hôi trên mặt khi vừa leo từ mỏm đá xuống vị trí chèn thuốc nổ, anh Dũng cho biết, anh em công nhân chèn thuốc mìn vào những lỗ khoan kích nổ phá dần dần từng lớp đá ra để san gạt lấy nền cho tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, do lớp đá ở đây rất cứng nên việc làm này gặp khá nhiều khó khăn.
“Ở đây, máy móc hỏng liên tục. Xe chở đá chỉ 1, 2 tháng là phải làm lại thùng, do đá to và cứng. Hôm nào, máy công trường hỏng nhiều anh em phải nán lại sửa chữa thông trưa, ăn cơm tại vị trí đó luôn”, anh Dũng kể.
Đang đứng nói chuyện, anh Dũng nhìn vào chiếc đồng hồ, đã 11h30, tức là đến giờ nổ mìn: “Chuẩn bị đến giờ nổ mìn rồi. Anh em đi về vị trí an toàn thôi”, anh Dũng nói rồi bám vào mỏm đá chèo lên phía trên đưa tay về phía chúng tôi để hỗ trợ từng người đi tới nơi trú ẩn an toàn.
Anh Dũng nói tiếp: “Anh em sẵn sàng máy quay, máy ảnh chứ, bây giờ nổ mìn đấy!”.
Ít phút sau chúng tôi nghe thấy khẩu lệnh: “Anh em chú ý! Về vị trí an toàn...Máy bắt đầu kích điện, trên công trường chuẩn bị có mìn nổ, 3...2...1... nổ đoàng, đoàng, đoàng….”.
Tiếng mìn vừa dứt, nền đất rung lên, khói bụi bốc lên cao hàng chục mét kèm những mảnh đá nhỏ bắn tung tóe ra các hướng xung quanh, mùi khét của thuốc nổ bủa vây mù mịt. Đó là những gì thường diễn ra tại gói thầu số 2, một trong những hạng mục “khó nhằn” nhất thuộc dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Tại công trường, đội ngũ kỹ sư, công nhân đều chia ra thành 3 ca kíp để thay nhau thi công, ăn ngủ tại công trường.
“Mình là cấp chỉ huy, nhiều khi sốt ruột lắm. Một ngày đảo qua đảo lại liên tục ở công trường với quãng đường đi bộ giám sát, đốc thúc làm việc và luôn nhắc nhở anh em phải hết sức cẩn thận an toàn”, anh Dũng bộc bạch.
Nhìn xuống chân anh Dũng với đôi giày rách mũi, không rõ màu đen cũng không rõ màu nâu, đế giày bị choẹt ra, chúng tôi thắc mắc: đá cứng khó phá, với dự kiến tiến độ dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết như hiện nay có kịp không, anh Dũng tự tin cho rằng, với lực lượng và 3 kíp chia ca như thế này sẽ kịp tiến độ.
“Hôm nay, hiện trường ngổn ngang, nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh thi công chỉ 3 ngày sau là đã có thể đi lại qua dự án mà không phải đi đường vòng qua sau núi”, anh Dũng khẳng định.
Khi thấy có đoàn nhà báo đến, anh Vũ Ngọc Hai, công nhân tại dự án với bàn tay đen đầy dầu mỡ, mặt lấm lem vì bụi bẩn cho hay, hôm nay các anh đến, công trường còn ra dáng con đường cao tốc chứ nửa tháng trước thì khủng khiếp hơn nhiều.
“Nhớ những ngày đầu tôi mới vào đây, cảm giác chẳng khác gì đi khai hoang làm kinh tế mới. Chỉ 1 tuần nữa là cốt nền đi qua núi được hạ theo tiêu chuẩn thôi”, anh Hai nói.
Càng đi dọc sâu vào công trường tiếp xúc với đội ngũ công nhân, nhìn những khuôn mặt da “cháy sạm” vì nắng nóng, tay chai sạn, lưng ướt đẫm vì mồ hôi, mới thấy được những điều kỳ bí dần hé lộ. Những tuyến cao tốc kỳ vỹ, xuyên qua giữa núi rừng không chỉ là mồ hôi, sức lực của con người mà còn có cả những sự đánh đổi mà ít người hay biết.
Thi công xuyên Tết, đón giao thừa trên công trường
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng cao tốc để đưa vào vận hành trước 30/4, dù là nghỉ lễ, nghỉ Tết thì trên đại công trường vẫn nhộn nhịp thi công.
Theo ông Thái, gần như 100% cán bộ, công nhân, máy móc…được điều động để thi công, làm việc xuyên lễ. Đại diện ban quản lý cũng có mặt tại công trường để động viên tinh thần anh em thi công.
Cũng theo ông Thái, trước đó vào ngày 31/12/2022, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đủ điều kiện để thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến chính, xe cộ có thể đi lại thông suốt trên toàn tuyến, việc thi công cũng thuận lợi hơn.
Cũng theo đại diện ban quản lý, để đảm bảo được mục tiêu thông xe kỹ thuật, thời gian qua các nhà thầu đã tập trung triển khai huy động rất nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt sau buổi lễ phát động thi đua 120 ngày/đêm và chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Các nhà thầu đã huy động bổ sung thêm 150 nhân lực, 50 máy thi công, hơn 100 xe vận chuyển các loại, 2 trạm trộn bê tông xi măng và điều chỉnh 1 trạm bê tông xi măng sang sản xuất cấp phối đá dăm gia cố xi măng.
Ngoài ra nhà thầu còn tăng cường thêm 3 trạm bê tông nhựa, tổ chức thêm 15 dây chuyền thi công nền đường, 5 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm, cấp phối đá dăm gia cố xi măng và bố trí làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp.
Nhờ vậy sản lượng công việc tăng nhanh và đảm bảo thời gian thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành trong tương lai gần.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đi kiểm tra thực tế dự án đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Tại đây, Bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu làm khẩn trương, quyết liệt nhất có thể để thông xe kỹ thuật cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Thênh thang cao tốc nối liền một dải chữ S
Cũng tại công trình các quy định khắt khe đảm bảo an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. Anh Hồ Tuấn Anh, quê Nghệ An, công nhân đặt mìn phá đá cho hay: “Bia rượu là điều cấm kỵ trong công trường”.
“Quy trình nổ mìn đòi hỏi kỹ thuật cao, ngoài việc tuân thủ “kỷ luật sắt” về kỹ thuật, an toàn lao động, anh em luôn cố gắng chấp hành hiệu lệnh của chỉ huy và phải tự bảo nhau tuân thủ”, anh Tuấn Anh cho hay.
Cúi xuống nhặt chiếc túi nilông lên, anh Tuấn Anh chỉ tay: tại vị trí lỗ khoan đã được đặt mìn, đều được đánh dấu ký hiệu riêng biệt để anh em nhận diện và tránh đi vào khu vực đó.
“Sau khi nổ mìn phá đá, máy xúc sẽ được dùng để cào xúc đá đưa lên xe ben chở đi ra khu vực tập kết. Sau đó, đơn vị thi công sẽ dùng thêm máy ủi để san gạt nền cho phẳng để bắt đầu tiến hành thi công đắp nền”, anh Tuấn Anh chia sẻ về quy trình thi công.
Nóivề tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long khẳng định: “Với tiến độ như hiện nay, sẽ đảm bảo đưa dự án thông xe theo đúng kế hoạch đề ra là trước ngày 31/12/2022”.
Với những gì chúng tôi thấy phía sau một tuyến cao tốc hùng vĩ, là sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm giao thông. Những cống hiến đó sẽ “gột” nên tuyến cao tốc Bắc-Nam nói chung và cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết nói riêng.
Dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây là một phần trong dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sân bay quốc tế Long Thành, tạo liên kết vùng và tạo đòn bẩy phát triển cho các địa phương trong khu vực.
Tuyến đường này được đặt kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ là "cú hích" lớn về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Tạo đà lực đẩy lớn giúp kết nối phát triển kinh tế xã hội tại Bình Thuận và Đông Nai nói chung cũng như các địa phương xung quanh trở nên sôi động hơn./.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km được chia thành 4 gói thầu với quy mô mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong 4 tuyến thuộc "Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020" cùng với các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.