Nhộn nhịp nghề làm hương trầm dịp Tết

Mỗi dịp Tết đến, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên bàn thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương trầm thơm ngát. Việc thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa. Những ngày cuối năm, những người làm hương truyền thống ở Hoàng Su Phì bước vào thời điểm bận rộn nhất.

Người dân thôn Thinh Na, xã Đản Ván làm hương trầm.

Người dân thôn Thinh Na, xã Đản Ván làm hương trầm.

Đặt chân đến “Miền đất vỏ cây vàng” vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã thấy phảng phất mùi hương dịu nhẹ được tỏa ra từ những cây hương tự tay bà con thôn Xếp, xã Đản Ván (Hoàng Su Phì) làm. Để mang hương Xuân đến mọi nhà, những người nghệ nhân thôn Xếp, đang tỉ mẩn, chăm chút làm nên những nén hương thơm. Nghệ nhân Lù Già Bình, 72 tuổi tâm sự: Làm được một nén hương rất phức tạp, sau khi đi rừng lấy đủ vật liệu về, bà con phải phơi thật khô, rồi nghiền hoặc dã thật nhỏ, thật mịn, sau đó lại đem phơi khô thêm lần nữa. Theo những người làm hương lâu năm, để có hương thơm thuần chất, quan trọng là công thức pha bột hương. Nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không có mùi thơm đặc trưng của lá cây, hương gỗ. Cán hương làm từ cây tre, bỏ phần cật và ruột, sau đó đem chẻ nhỏ, phơi nắng cho thật khô. Khi lăn hương, dùng cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột khô đã được trộn sẵn, rồi lại nhúng nhanh vào xô nước mang ra tiếp tục lăn, cứ như vậy đến thi nào nén hương đạt tiêu chuẩn thì thôi, đây là công đoạn quyết định mẫu mã và cả chất lượng của nén hương.

Cùng với thôn Xếp, xã Đản Ván, bà con nhân dân thôn Coóc Soọc, xã Pố Lồ những ngày này cũng đang tất bật làm hương chuẩn bị đón Tết. Các hộ làm nghề bận rộn từ sớm đến khuya, tuy có vất vả hơn ngày thường, nhưng bù lại người lớn trẻ nhỏ được quây quần và có thêm thu nhập. Trò chuyện với chị Lù Già Dầy được biết: Nghề làm hương của đồng bào dân tộc Nùng ở Hoàng Su Phì được truyền từ đời này sang đời khác, tuy nhiên, không phải ai biết làm hương. Mà người làm hương cũng phải tuân thủ những quy định, như chỉ phụ nữ đã đứng tuổi, có con cái đã trưởng thành mới được làm còn đàn ông thì không. Những ngày giáp Tết, làm hương đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho đồng bào người dân tộc Nùng. Với nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, chỉ cần 2 đến 3 ngày làm hương sau đó đem ra chợ bán; mỗi gia đình sẽ có thu nhập trên 10 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề làm hương, UBND huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động, cải tiến công thức làm, từ đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm hiện có trên thị trường, phát huy hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của một nghề thủ công truyền thống mang những nét đặc trưng, đặc sắc riêng của nghề làm hương mà đồng bào dân tộc Nùng lưu giữ lại cho tới ngày nay.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202101/nhon-nhip-nghe-lam-huong-tram-dip-tet-770464/