Nhộn nhịp nông sản vào mùa

Nhiều loại hoa quả như sầu riêng, mít, thanh long và sắp tới là vải bước vào vụ thu hoạch. Nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cũng tăng cao. Do vậy cần thực hiện nhiều giải pháp để tránh tình trạng ùn tắc nơi cửa khẩu, giảm thiệt hại tối đa câu chuyện được mùa mất giá.

Vải thiều Bắc Giang vào mùa thu hoạch.

Vải thiều Bắc Giang vào mùa thu hoạch.

Cảnh báo xe chở nông sản ùn ứ ở cửa khẩu

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện đang vào đầu mùa thu hoạch nông sản ở các tỉnh nên lượng hàng hóa thông quan trong ngày tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn được ghi nhận tăng cao. Cụ thể, từ tháng 3 đến nay, lượng phương tiện vận chuyển hàng nông sản, trái cây tươi dồn về các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tăng. Cao điểm có ngày có gần 1.000 xe chở hàng (chủ yếu là nông sản, trái cây tươi) chờ ở cửa khẩu để thông quan, trong khi đó, năng lực chỉ đáp ứng được 1/2 số này. Điều đáng nói, nhiều xe lần đầu thông quan nên phải làm thủ tục lâu hơn thông thường.

Tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, từ đầu năm đến ngày 30/5, lực lượng chức năng đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60 nghìn tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã đạt trên 17,5 nghìn tấn.

Thời gian này, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các loại quả như sầu riêng, chanh leo, mít, thanh long. Sắp tới, còn có các mặt hàng khác như vải, nhãn, xoài… Đây là những mặt hàng có nhu cầu xuất khẩu cao.

Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết một số cửa khẩu đang quá tải, nên cần có thêm sự trao đổi thông tin giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi hơn. Vấn đề ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản được nhấn mạnh, vì nhiều nông sản không thể chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn, Hải quan Lạng Sơn đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, kể từ tháng 3, Hải quan Lạng Sơn đã yêu cầu các đơn vị cửa khẩu bố trí cán bộ trực, tiếp nhận và xử lý thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính.

Hỗ trợ nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng khuyến nghị, DN cần thiết lập một nền tảng bài bản từ khâu nhỏ nhất như mặt bằng sản xuất, công nghệ, nguồn nguyên liệu và sự sáng tạo để nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.

Các DN sản xuất chế biến nông sản xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa phù hợp với các cam kết hiệp định của Việt Nam đang thực thi và các thị trường đối tác quan trọng; liên hệ chặt chẽ với cơ quan Hải quan chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường.

Nâng cao chất lượng nông sản

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm chưa được như kỳ vọng” - ông Sơn bày tỏ và cho rằng, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

Tuy nhiên, theo phân tích từ giới chuyên gia, câu chuyện nông sản Việt Nam bên cạnh bài toán xuất khẩu cũng cần tìm giải pháp đồng bộ để tiêu thụ hiệu quả. Cụ thể nông sản Việt Nam rất đa dạng. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm là nhu cầu cấp thiết giúp DN, hợp tác xã vượt qua khó khan, bản thân các tiểu thương chợ đầu mối, hệ thống siêu thị cũng đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu uy tín để đáp ứng các đơn hàng và người tiêu dùng nội địa. Muốn khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, các sản phẩm cần phải được sản xuất theo quy trình và kiểm soát chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), điểm đáng mừng là nhiều DN đã có động thái quay trở lại cung ứng cho thị trường nội địa. Nắm vững thị trường nội địa 100 triệu dân cũng là cơ hội rất lớn vì thị trường gần gũi, chi phí vận tải và chi phí tiếp cận tìm hiểu thấp hơn, dễ thích ứng văn hóa, nhu cầu; việc thực hiện cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cũng luôn được chú trọng.

H.Hương-M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhon-nhip-nong-san-vao-mua-5719357.html