Nhộn nhịp thị trường đồ chơi trung thu truyền thống tại phổ cổ Hà Nội
Những ngày giáp Tết Trung thu, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, đồ chơi Trung thu truyền thống được bày bán và tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.
Theo ghi nhận của Báo Công Thương tại "thủ phủ" phố Hàng Mã, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay phong phú và đa dạng với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc bắt mắt.
Trong đó, các mặt hàng đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế, chiếm đến 70-80% lượng sản phẩm tại các gian hàng. Cụ thể, như mặt nạ chú Tễu, đèn kéo quân, trống bỏi, đèn ông sao, đèn con cá, đèn cù, đầu lân… được bày bán ở hầu hết các cửa hàng, thu hút sự chú ý của người dân.
Theo các chủ kinh doanh cho biết, một số loại đèn lồng chủ yếu được sản xuất từ các làng nghề trong nước như làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức,Hà Nội)..., còn lại nhập từ nước ngoài về.
Để hấp dẫn trẻ nhỏ, ngoài những loại đèn lồng truyền thống làm bằng bóng kính như đèn ông sao, đèn con cá…, hầu hết các loại đèn lồng đều có thể phát sáng và phát nhạc.
Về giá cả các sản phẩm năm nay cũng không có nhiều biến động. Cụ thể, đèn ông sao có giá từ 15.000-70.000 đồng/chiếc, đèn lồng trung thu hình thú phát sáng có giá từ 25.000 - 40.000 đồng; đèn lồng giấy phát nhạc 70.000 - 100.000 đồng/chiếc, đèn kéo quân 100.000 - 300.000 đồng/chiếc, đầu lân 200.000 - 700.000 đồng/chiếc (tùy kích cỡ). Riêng mặt hàng đầu sư tử có giá nhỉnh hơn, từ 150.000- 600.000 đồng/chiếc (tùy loại).
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng cũng bày bán giấy bóng kính và khuôn để phục vụ nhu cầu của các bậc phụ huynh cho con trải nghiệm việc tự tay làm đèn ông sao, giá của combo này dao động từ 15.000 - 30.000 đồng.
Ngoài ra, các sản phẩm mặt nạ với những nhân vật quen thuộc như ông địa, chú hề, chú Tễu,… được làm bằng giấy bồi với màu sắc tươi tắn, bắt mắt được bày bán tại các cửa hàng có giá từ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc, thay thế cho mặt nạ nhựa có nguồn gốc từ Trung Quốc sản xuất.
Bên cạnh loại đồ chơi truyền thống, tại các cửa hàng, đồ chơi trung thu có xuất xứ từ nước ngoài cũng vẫn được nhiều chủ hàng bày bán, chủ yếu là các loại đồ chơi như súng nhựa, kiếm nhựa, ô tô điều khiển, mặt nạ phát nhạc…
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hoa - có cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã chia sẻ, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn đồ chơi truyền thống cho con vì giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng. Những dòng đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đầu lân hay mặt nạ giấy bồi… vẫn luôn là những mặt hàng tiêu thụ ổn định nhất.
Ngoài ra, đồ chơi truyền thống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các chất liệu gần gũi, đảm bảo an toàn cũng là một trong những lý do khiến mặt hàng này được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn.
Đồng thời, mẫu mã các sản phẩm thủ công truyền thống đã có nhiều cải tiến. Vì thế, người dân luôn ưu tiên sử dụng đồ chơi hàng Việt làm thủ công từ những chất liệu thân thiện với môi trường, an toàn như giấy hoặc tre nứa.
Bên cạnh đó, ngoài những sản phẩm đồ chơi trung thu trong nước có nguồn gốc xuất xứ. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, vẫn có nhiều loại đồ chơi, đặc biệt là mặt nạ bằng nhựa sản xuất từ nhựa PVC được coi là độc hại nhưng vẫn được bày bán. PVC chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó có chì DEHP. Nếu trẻ ngậm đồ chơi sẽ gây nguy hại tới sức khỏe.
Trên thị trường, hầu hết chủ kinh doanh khi được hỏi chỉ nói chung chung hàng nhập, hoặc hàng Trung Quốc, nhưng không đưa ra bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đồ chơi nhập ngoại, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em, nếu không được kiểm tra, xử lý và cảnh báo thường xuyên, với lượng tiêu thụ lớn vào dịp trung thu này, sẽ là mối lo ngại lớn.
Để hạn chế những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngay từ giữa tháng 8/2023, đã ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Cụ thể, kế hoạch sẽ được triển khai từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9, sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi, giáo dục nhân cách trẻ em, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu rõ, đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, Cục cũng sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo đến người tiêu dùng.