Nhộn nhịp vụ rau màu đón Tết

Rau xanh là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ càng tăng cao. Thời điểm này, nhiều diện tích rau màu ở huyện cù lao Phú Tân sẵn sàng cho đợt thu hoạch cuối năm.

Dừng chân bên một ruộng cải tàu sại (cải sậy, cải tùa sại) cũng đủ cảm nhận sinh khí mùa vụ tất bật thế nào. Thời tiết thuận lợi, cải tươi tốt, vươn lá xanh phủ kín cả vùng. Góc này nông dân lẹ tay thu hoạch, góc khác có người xuống giống, xịt sâu, cấy cây con nối vụ…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh Đông Mai Duy Linh cho biết, vụ này, toàn xã xuống giống 737ha hoa màu, dự kiến trước Tết Nguyên đán thu hoạch hơn 50%, chủ yếu là gừng, ớt, cải sậy, hành, dưa leo, xà lách, củ cải… Đã thành thông lệ, từ tháng 10 âm lịch, nông dân chuyên trồng rau màu cải tạo đất, xuống giống rau ngắn ngày. Để chủ động cung ứng rau màu phục vụ thị trường Tết năm nay, nông dân xã Bình Thạnh Đông vừa thu hoạch rau màu vụ trước, vừa gieo trồng vụ mới.

Sản xuất gối vụ liên tục để đa dạng hàng hóa nông sản, linh hoạt đầu ra

Sản xuất gối vụ liên tục để đa dạng hàng hóa nông sản, linh hoạt đầu ra

Hiện nay, nông dân nhạy bén áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây màu xuống chân ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy diện tích trồng rau màu không lớn so với cây trồng chủ lực (lúa, nếp), nhưng bà con đã biết tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp, trồng xen nhiều loại cây màu ngắn ngày. Nông dân có kinh nghiệm luôn chọn đúng thời gian canh tác để thu hoạch trước Tết vài ngày, qua đó giúp giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất.

Ông Trần Văn Điểm (ngụ ấp Bình Đông 2) cho hay, dịp Tết này, gia đình ông dành 2,5 công đất trồng cải sậy. Vì vào mùa gió bấc, loại cây này phát triển rất thuận lợi, khoảng 35 - 37 ngày có thể thu hoạch. Cải sậy chủ yếu làm dưa, là món “giải ngán” trong bữa ăn Tết. Vì vậy, bạn hàng thu mua số lượng khá lớn từ nhiều nơi, một số hộ chế biến dưa để bán.

“Dịp Tết, rau cải thường có giá hơn, dễ bán, bạn hàng đến tận rẫy thu mua, nông dân không phải lo đầu ra, giảm chi phí vận chuyển... Trồng rau màu không khó, vốn bỏ ra không cao. Tuy nhiên, rau dễ bị sâu, bệnh, ảnh hưởng bởi thời tiết, nên phải chăm sóc thường xuyên” - ông Điểm chia sẻ.

Nông dân thu hoạch cải sậy

Nông dân thu hoạch cải sậy

Ngay cạnh bên, xã Hiệp Xương cũng phát triển trên 150ha rau màu các loại, dự kiến hơn 10ha thu hoạch ngay Tết. Chủ lực ở đây là đậu nành rau, ớt, rau dưa các loại… Với 2 công đất trồng dưa, sau 30 ngày, anh Phan Văn Nhựt thu hoạch từ 4 - 5 tấn trái/công, giá từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 25 triệu đồng/công.

Anh kỳ vọng, thời điểm cuối năm, nông dân tiếp tục có đầu ra thuận lợi. Để rau màu phát triển tốt, đảm bảo cung ứng cho thị trường, cán bộ khuyến nông tập trung kiểm tra, thăm đồng, vận động bà con đẩy mạnh chăm sóc, đặc biệt là áp dụng quy trình sản xuất rau màu an toàn, chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.

Đáp ứng nhu cầu trồng rẫy của nông dân, xã Phú An có đến hàng chục hộ chuyên ươm sẵn cây giống quanh năm. Nghề này hỗ trợ cho nghề kia, mỗi nông dân tham gia một quy trình, góp cho việc làm ăn thêm xôm tụ.

Bà Phạm Thị Huệ (40 năm ươm cây giống) cho biết, đa số hộ dân tập trung xuống giống từ tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch), để cung cấp nguồn cây cho nông dân trồng rau đón Tết. Vụ đông xuân, nhu cầu tiêu thụ cây giống khá cao, bởi thời tiết mát mẻ thuận lợi xuống giống, rau màu phát triển tốt, bán vào dịp Tết sẽ có giá hơn.

Tổ hợp tác ươm cây giống xã Phú An hiện có 20 hộ thành viên (trong tổng số 50 hộ theo nghề toàn xã). Từ ớt, cà chua, bầu, bí cho đến cây ăn trái, nơi đây cung cấp hàng triệu cây giống đạt chất lượng cho nông dân trong và ngoài huyện. Chỉ cần tận dụng đất trống xung quanh nhà, các hộ có nguồn thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

So với trái cây, hoa kiểng thì rau màu không phải là mặt hàng đắt đỏ, giá cao. Bù lại, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, lượng rau bán ra thị trường có thể tăng gấp 4 lần so ngày thường, nông dân thêm đồng lời “bỏ túi”. Vụ làm ăn mùa Tết đem lại nguồn thu nhập vượt trội nhất trong năm, nhưng thị trường đầu ra không ai dám khẳng định “ăn chắc”.

Tránh lặp lại câu chuyện quen thuộc là “dội chợ” hoặc đổ xô trồng “ăn theo” cảm tính hàng năm, nông dân hiện nay tính toán đa dạng cây trồng, cân đối diện tích ổn định đầu ra. Các loại rau củ được trồng xen kẽ, nối vụ, để không thu hoạch đồng thời, tránh bị mất giá.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhon-nhip-vu-rau-mau-don-tet-a385158.html