Nhơn Trạch - vùng đất anh hùng

Huyện Nhơn Trạch từ lâu đã được biết đến là vùng đất anh hùng với nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, những di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Đền thờ liệt sĩ, Địa đạo Nhơn Trạch... là nơi lưu giữ lịch sử hào hùng, điểm đến để các thế hệ trẻ học tập, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước.

Đến thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch là điểm đến đầu tiên trong các tour du lịch về nguồn. Ảnh:Ngọc Liên

Đến thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch là điểm đến đầu tiên trong các tour du lịch về nguồn. Ảnh:Ngọc Liên

Đặc biệt, trong những ngày tháng 4 lịch sử, hòa chung không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, huyện Nhơn Trạch là một trong những điểm đến thu hút người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử của vùng đất anh hùng.

Du khách tham quan Bia tưởng niệm những liệt sĩ của Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác nằm giữa rừng ngập mặn. Ảnh:Ngọc Liên

Du khách tham quan Bia tưởng niệm những liệt sĩ của Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác nằm giữa rừng ngập mặn. Ảnh:Ngọc Liên

Điểm dừng chân đầu tiên khi đến vùng đất Nhơn Trạch mà nhiều người chọn là công trình Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch. Đền thờ liệt sĩ huyện là nơi tưởng nhớ hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống trên mảnh đất Nhơn Trạch. Đền thờ được xây dựng từ sự chung tay của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các di tích lịch sử đang được huyện Nhơn Trạch kết nối phát triển du lịch tạo thành các tour tìm hiểu về lịch sử gắn với tham quan, thưởng thức các đặc sản của địa phương như: trà Phú Hội, thủy sản nước lợ…

Đến với Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch, khách tham quan lần lượt đi qua Cổng tam quan, đến nhà bia ca ngợi công đức của những người khai phá vùng đất Nhơn Trạch và các liệt sĩ đã hy sinh. Bên trong chính điện, khách tham quan được dâng hương trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 2 ngàn liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch đã từng đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, bạn bè gần xa, các tầng lớp nhân dân trong cả nước đến viếng và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Đền thờ là biểu tượng truyền thống cách mạng vẻ vang và tình cảm thủy chung, son sắc của người dân Nhơn Trạch.

Thông tin về hơn 2 ngàn thông tin về liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh:Ngọc Liên

Thông tin về hơn 2 ngàn thông tin về liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh:Ngọc Liên

Nằm đối diện với Đền thờ liệt sĩ, Địa đạo Nhơn Trạch là điểm tham quan để du khách biết về nơi trú ẩn vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của lượng lượng cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại chiến dịch đánh phá bình định cấp tốc của địch vào năm 1974. Với kết cấu hình vòm, nằm sâu dưới mặt đất từ 5-7m, độ cao khoảng 2m, rộng khoảng 1m với nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên… địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, sức chứa từ 300-500 người. Địa đạo Nhơn Trạch đã tồn tại trong thời gian hơn một thập niên (từ năm 1962-1975).

Chân dung những nhân chứng lịch sử tại Nhà trưng bày địa đạo huyện Nhơn Trach. Ảnh:Ngọc Liên

Chân dung những nhân chứng lịch sử tại Nhà trưng bày địa đạo huyện Nhơn Trach. Ảnh:Ngọc Liên

Nằm ngay cạnh địa đạo Nhơn Trạch, Nhà Trưng bày là nơi lưu giữ hiện vật của những tấm gương anh dũng đã từng sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc trên mảnh đất Nhơn Trạch. Tại đây, trưng bày và lưu giữ hơn 300 hiện vật khác nhau của các chiến sĩ. Đồng thời, tái dựng công cuộc đào địa đạo; những hoạt động của lực lượng cách mạng trong cuộc chống càn của địch…

Phục dựng hình ảnh đào địa đạo của chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh. Ảnh:Ngọc Liên

Phục dựng hình ảnh đào địa đạo của chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh. Ảnh:Ngọc Liên

Nằm giữa rừng ngập mặn tại huyện Nhơn Trạch, Bia tưởng niệm những liệt sĩ của Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác là điểm đến của nhiều du khách. Đến thăm Bia tưởng niệm, du khách sẽ biết được những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đặc công trong quá trình làm việc và chiến đấu tại chiến trường rừng Sác. Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác sẽ mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là tấm gương yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Những câu chuyện về các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đánh tàu địch trên sông và bến cảng; trận đánh chìm tàu chở dầu 8 ngàn tấn bằng súng DKZ 75 trên sông Lòng Tàu ngày 17-3-1966… sẽ được ghi nhớ mãi.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/nhon-trach-vung-dat-anh-hung-cb30b35/