Nhu cầu điện tiếp tục tăng cao
Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải tăng về nguồn từ 10.000 - 12.000MW, tương ứng với đó thì hệ thống truyền tải, nhất là các nguồn giải tỏa công suất liên miền và nội miền cũng cần được quan tâm, nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương.
Cần phải đầu tư rất mạnh về lưới điện truyền tải
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có mức tăng trưởng 7,09% và với tốc độ tăng trưởng này, điện phải đáp ứng mức khoảng 11-12%, những tháng cao điểm tốc độ tăng trưởng phải đạt 13-15%, đặc biệt có những địa phương công nghiệp trọng điểm tăng 17-18%.
Trong bối cảnh năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất là 8% và phấn đấu ở mức 2 con số. Theo đó, hệ số tăng về điện phải đáp ứng khoảng 1,5 lần, kịch bản cơ sở tương đương 12-13%, kịch bản cao phải đáp ứng được 13-14%, và kịch bản cực đoan phải đáp ứng 15-16%. Với tốc độ tăng trưởng này, mỗi năm Việt Nam phải bổ sung về nguồn, đáp ứng cho nhu cầu đất nước từ 10-12% sản lượng, tương đương 10.000-12.000MW/năm.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tương ứng với việc tăng trưởng về nguồn, cũng cần phải đầu tư rất mạnh về lưới điện truyền tải, nhất là lưới điện giải tỏa công suất cho những trung tâm năng lượng ở các vùng phụ tải thấp nhưng tiềm năng lớn như vùng Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Cập nhật tình hình thực hiện các dự án theo Quy hoạch điện VIII của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đối với các dự án điện sử dụng khí LNG, hiện nay, dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 tiến độ tổng thể ước đạt 95,5%, dự kiến vận hành nhà máy Nhơn Trạch 3 vào tháng 7/2025 và Nhơn Trạch 4 vào tháng 10/2025. Một số dự án như: Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư, còn dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025…Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2 các chủ đầu tư đã trình phương án nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết.
Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030, và Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương.
Yêu cầu hoàn thành sớm so với kế hoạch
Để đảm bảo điện cung ứng cho năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3,4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý I/2025, đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, muộn nhất quý II/2025. Cùng với việc đảm bảo tiến độ thì dự án cần đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng.
Đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm: Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1,2,3,4, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị các chủ đầu tư phải rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.
Còn các dự án chưa có chủ đầu tư, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất quý I/2025. Đồng thời, đề nghị các địa phương tách các dự án ra không nên gộp dự án nhà máy với dự án về hạ tầng khí (kho, bãi, cảng) bởi vì Quy hoạch kho bãi cảng chuyên dụng cho khí đã được xác định trong quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia.
Các nhà đầu tư nào thấy quy hoạch của mình đã được duyệt phù hợp với quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia thì hãy đề xuất gộp vào trong dự án điện khí của mình, còn nếu không tách ra. Trong thông báo của Bộ Công thương cũng nêu rõ để các nhà đầu tư và các địa phương đừng hiểu lầm thông tin.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu các Tập đoàn như: PVN, TKV, EVN… sẵn sàng cung ứng khí, than cho các dự án.
Đặc biệt, đối với EVN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu “cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên. Dự án nào cũng phải sớm so với kế hoạch, đặc biệt dự án Quảng Trạch 1 trong năm 2027, Hòa Bình mở rộng trong năm 2025, Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bắc Ái được khởi động trong quý I/2025.
Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai, có cả dự án liên danh với nhà đầu tư Thái Lan, nếu như nhà đầu tư Thái Lan và Malaysia không thực hiện được thì EVN cũng rà soát lại năng lực của mình và đề xuất trong tháng 1/2025.
Về các dự án truyền tải, Bộ trưởng đề nghị EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất của các nhà máy như: Nhơn Trạch 3,4; Khẩn trương triển khai thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên để đưa vào vận hành trong năm 2025.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất là 8% và phấn đấu ở mức 2 con số. Theo đó, hệ số tăng về điện phải đáp ứng khoảng 1,5 lần, kịch bản cơ sở tương đương 12-13%, kịch bản cao phải đáp ứng được 13-14%, và kịch bản cực đoan phải đáp ứng 15-16%. Với tốc độ tăng trưởng này, mỗi năm Việt Nam phải bổ sung về nguồn, đáp ứng cho nhu cầu đất nước từ 10-12% sản lượng, tương đương 10.000-12.000MW/năm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhu-cau-dien-tiep-tuc-tang-cao-10298062.html