Nhu cầu đọc sách về Trung Đông tăng nhanh theo dòng sự kiện
Các sự kiện lớn ở Trung Đông như xung đột chính trị, tôn giáo… hoặc World Cup 2022 đã kéo theo nhu cầu đọc sách về vùng đất này.
Trung Đông là khu vực trải dài từ phía đông nam Địa Trung Hải đến bờ vịnh Ba Tư, bao gồm phần lớn Tây Á và Ai Cập thuộc Châu Phi. Tại đây, lượng sách tiếng Ả-Rập được dịch sang tiếng Anh tăng đáng kể. Ở Việt Nam, tủ sách Lịch sử Trung Đông cho thấy mối quan tâm của độc giả về vùng đất này.
Sách vùng Trung Đông được dịch sang tiếng Anh tăng mạnh
Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Literature Across Frontiers (Văn học xuyên biên giới), số lượng sách Ả-Rập được dịch sang tiếng Anh đang tăng với tốc độ đáng kể trong 10 năm qua.
Nghiên cứu đã tìm thấy 596 tác phẩm được dịch từ tiếng Ả-Rập sang tiếng Anh từ năm 2010 đến năm 2020, bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch và sách phi hư cấu. Điều này trái ngược với khoảng thời gian trước khi mà trong vòng 20 năm từ năm 1990 đến 2010, chỉ có 310 tác phẩm tiếng Ả-Rập được dịch và phát hành bằng tiếng Anh.
Thể loại được dịch nhiều nhất là là tiểu thuyết với 301 đầu sách, tiếp theo là 169 sách thơ và 57 tác phẩm kinh điển bao gồm văn học Ả-Rập cổ điển từ thời kỳ tiền Hồi giáo đến nay.
Ai Cập dẫn đầu danh sách với 127 cuốn sách, tiếp theo là 114 cuốn sách từ Iraq, 71 cuốn sách từ Palestine và 65 cuốn sách từ vùng Syria. Các quốc gia khác trong danh sách 26 vùng lãnh thổ Mena bao gồm Lebanon có 61 đầu sách đã được dịch và xuất bản, Ả-Rập Saudi với 22 cuốn và Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất với 11 cuốn.
Abdel-Wahab Khalifa, nhà nghiên cứu và là giảng viên môn dịch thuật và phiên dịch tại Đại học Cardiff, trong buổi thảo luận về chủ đề này tại Hội sách Frankfurt 2022 cho rằng lý do chính dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với sách Ả-Rập là từ các vấn đề thời sự và tin tức thời sự mà người đọc tiếp nhận.
“Bất cứ khi nào có một sự kiện địa chính trị nào ở vùng này, bạn sẽ thấy số lượng sách dịch từ tiếng Ả-Rập sang tiếng Anh tăng đột biến”, Khalifa nói.
Báo cáo cũng nêu rõ lợi ích của sự gia tăng nhu cầu đọc này, đó là sự chuyên nghiệp hóa trong việc dịch sách và các nhà xuất bản tiếng Ả-Rập sẽ có các phương án kinh doanh tốt hơn. Ở Anh, một số khóa đào tạo và hội thảo đã được tổ chức cho các dịch giả người Ả-Rập để có nguồn dịch giả tốt hơn đáp ứng nhu cầu đọc tăng cao.
World Cup 2022 cũng là dịp để hướng về Trung Đông
Tại Việt Nam, những cuốn sách mô tả cuộc sống và số phận con người ở vùng đất này đã thu hút nhiều độc giả trong những năm gần đây. Những tác phẩm nổi tiếng trong thời gian qua có thể kể đến Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ của nhà văn gốc Afghanistan Khaled Hosseini, Miền đất hứa của tôi do nhà báo Ari Shavit viết, Đọc Lolita ở Tehran của Azar Nafisi hay Những người đàn bà của Etaf Rum...
Dù là hồi ký hay tiểu thuyết, hư cấu hay phi hư cấu, điểm chung của những tác phẩm này là thường có tác động mạnh đến người đọc bởi tính chân thật cũng như sự tàn khốc, bi kịch của câu chuyện. Ở đây, những mâu thuẫn quốc gia, tôn giáo, dân tộc và cá nhân chồng chéo lên nhau đã đem lại một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống đằng sau những bản tin thời sự.
“Từ những năm cấp 2, cấp 3 mình biết về vùng Trung Đông, đặc biệt là những tranh chấp ở dầu mỏ, chiến tranh ở đây qua chương trình thời sự trên TV. Mình không có cảm xúc nhiều về những sự kiện này cho đến khi đọc Người đua diều, Miền đất hứa của tôi và vài tác phẩm khác, nhưng đây là 2 cuốn sách ám ảnh mình nhiều nhất cho đến bây giờ”, độc giả Nguyễn Thanh Trúc (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.
Các nhà xuất bản ở Việt Nam hiện nay có vẻ cũng đã bắt đầu khai thác sâu về chủ đề này. Mới đây, với thông báo ra mắt tác phẩm Lawrence xứ Ả-Rập, Omega Plus Books cho biết tác phẩm này cũng sẽ mở đầu cho một tủ sách riêng về lịch sử Trung Đông. Tủ sách này nằm trong mảng sách Lịch sử thế giới - vốn là chủ đề có sức hấp dẫn cao, nhưng trước nay vẫn tập trung quá nhiều vào một số vùng đất hay nền văn minh nhất định.
“Bởi nhiều lý do mà có những vùng đất, châu lục có vai trò lớn trong nền văn minh nhân loại nhưng vẫn còn ẩn khuất trên bản đồ tri thức, ít nhất trong bức tranh xuất bản ở nước ta, trong đó có Trung Đông, đặc biệt là Thế giới Ả-rập. Với phần đa độc giả Việt Nam, hiểu biết về thế giới đó vẫn còn dừng ở một ấn tượng mơ hồ về sa mạc, dầu mỏ, chiến tranh, sự giàu có…”, bà Trần Hoài Phương, Giám đốc điều hành Omega Plus Book, chia sẻ.
Tuy nhiên, quá khứ, lịch sử của vùng đất này ra sao trong hành trình lịch sử chung của nhân loại? Quá trình hình thành của một Trung Đông hiện đại với tất cả vấn đề mà ta nhìn thấy hiện này như thế nào? Những giá trị nào của nền văn minh này đã và đang hiện diện trong đời sống của chúng ta mà ta chưa hay biết?... Theo bà Hoài Phương, không có nhiều sách vở ở Việt Nam cung cấp một cái nhìn đủ rộng và sâu về tất cả những vấn đề này. Đó là lý do Omega Plus Boooks bắt tay giới thiệu lịch sử Trung Đông.
World Cup 2022 đang diễn ra ở đất nước Qatar đã trở thành một dịp để nhiều đôi mắt hướng về Trung Đông với mong muốn được hiểu và vén tấm mạng bí ẩn về vùng đất này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhu-cau-doc-sach-ve-trung-dong-tang-nhanh-post1378816.html