Nhu cầu giảm kéo theo giá lợn hơi giảm mạnh
Từ quý IV/2022 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm và đứng ở mức thấp. Việc giảm giá lợn hơi không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng tác động toàn cầu do dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung - cầu.
Giá giảm do sức mua giảm
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 31/3, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định giá lợn hơi đang giảm mạnh.
Tuy nhiên, ông Chinh giải thích, việc giảm giá lợn hơi không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng tác động toàn cầu do dịch Covid-19 gây đứt gãy. "Đơn cử như Trung Quốc, trước kia giá cao hơn Việt Nam 25 - 27 nghìn đồng/kg, giờ giá ngang với Việt Nam, khoảng 2,1 USD/kg lợn hơi. Tương tự, Philipines, Thái Lan cũng có giá thấp như vậy"- ông Chính nói.
Nguyên nhân là do tác động bởi Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục và đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được khi nào thì giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại. Thêm vào đó, sức mua của người tiêu dùng giảm, trong khi đó, sức sản xuất của người dân ở quy mô nông hộ, trang trại do áp dụng công nghệ nên năng suất, chất lượng được cải tiến và tăng cao.
Từ quý IV/2022 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm và đứng ở mức thấp. Nguồn cung tăng, nhu cầu thấp khiến giá lợn hơi chưa thể bật tăng trở lại.
Cũng theo nhiều hộ chăn nuôi, giá lợn hơi từ cuối năm 2022 đến nay liên tục giảm, chưa có dấu hiệu tăng trở lại. So với cùng kỳ năm 2020, 2021, giá lợn hơi hiện đang giảm khoảng 40 - 45%.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không giảm mà còn có dấu hiệu tăng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, giá cám tăng trên 100.000 đồng/bao 50 kg, hiện ở mức 350.000 đồng/bao cho lợn sinh sản; trên 400.000 đồng/bao 50 kg cho lợn thịt.
Với mức giá thức ăn này cộng với công chăm sóc thì trung bình mỗi con lợn từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng chi phí khoảng 5,5 triệu đồng/con, trong khi trước đây chi phí này chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/con. Với giá lợn xuống thấp như hiện nay, người chăn nuôi thua lỗ và rất thận trọng trong việc tái đàn.
Cải tiến thị trường
Trước thực trạng này, ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh, vấn đề hiện nay là cải tiến thị trường, trong đó cần tập trung vào thị trường trong nước và cần định hướng nhanh chóng để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà chúng ta đang thừa nhằm giảm bớt sức ép về thị trường.
Về phía Bộ NN&PTNT, hiện đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để giảm giá thành sản xuất như: hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi lợn hơi mục tiêu đa giá trị.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 3/2023, đàn lợn ước tăng 6,2%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 1,192 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, không cách nào khác là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Hiện, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn C.P trồng nguyên liệu tại chỗ sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi, bởi hiện nay, mặc dù giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thấp nhưng phụ thuộc vào nhập khẩu khiến chúng ta bị động.
Bên cạnh đó, đích đến là phải tăng chế biến và xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, các chuyên gia cũng kiến nghị ngành chức năng cần tìm giải pháp kéo, giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi. Ðặc biệt, cần tổ chức lại việc chăn nuôi lợn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu và ổn định giá cả đầu ra cho người chăn nuôi./.