Nhu cầu gửi hàng hóa vào TP. Hồ Chí Minh tăng cao
Những ngày này, TP. Hồ Chí Minh đang chống chọi với dịch bệnh khi số ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, vì thế nhu cầu được 'tiếp tế' lương thực, thực phẩm của người dân vô cùng lớn. Trong tình thế ấy, những gia đình ở Bình Thuận có người thân đang sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh liên tục gửi thực phẩm tiếp ứng, nhằm hạn chế ra đường ít nhất có thể.
Nhu cầu gửi hàng hóa vào TP
“Tiếp tế” thực phẩm
Cứ cách vài 3 ngày, chị Nguyễn Thị Thu Loan (phường Phú Thủy) lại mua cá, mực, hải sản… làm sạch sẽ, sơ chế sẵn kèm theo nào rau, củ quả… để gửi cho gia đình em gái đang sinh sống ở quận Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh, nơi đang ở bị phong tỏa. Em chị Loan không chỉ dự trữ thức ăn mà còn chia sẻ cho những hàng xóm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Loan cho biết: “Dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh rất phức tạp, tôi khuyên em xin làm việc tại nhà sau khi khu phố gỡ phong tỏa. Cần gì cứ nhắn, tôi sẽ mua đầy đủ, nhất là thực phẩm, và khuyên cả gia đình em không nên ra đường vào thời điểm này”. Rất nhiều gia đình ở Phan Thiết như chị Loan, có người thân đang ở TP. Hồ Chí Minh và đang vào thời điểm giãn cách xã hội gắt gao, nên người dân hạn chế ra đường thấp nhất có thể. Do đó, để hỗ trợ phần nào cho con, em mình vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều gia đình đã “tiếp tế” lương thực khá đầy đủ.
Chị Lê Thị Bé Trinh – một tiểu thương chuyên thu mua hải sản ở thị trấn Phan Rí Cửa cho biết: “Mỗi ngày, tôi đóng khoảng 3 - 4 thùng hàng đủ các loại cá, ốc, sò, mực… rồi làm sẵn theo nhu cầu như mực dồi thịt, cá mối ướp, chả cá… gửi vào cho khách ở TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, tôi gửi luôn rau củ, bánh tráng, thực phẩm khô, cá khô… khách nhờ mua. Những khách này quê ở Tuy Phong đang làm việc trong TP. Hồ Chí Minh, nên đặt hàng rồi chia nhau cho những người sống cùng chung cư trong những ngày giãn cách xã hội”.
Tuy nhiên, chị Trinh cho biết thêm, từ cuối tháng 5, khi dịch ở TP. Hồ Chí Minh bùng mạnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh yêu cầu tạm ngưng các tuyến vận tải hành khách chạy tuyến cố định vào các tỉnh, thành có dịch, một số nhà xe ở địa phương phải tận dụng xe khách để chở hàng, nên cước phí vận chuyển đã tăng gấp đôi. Nếu trước đây, gửi thùng hàng chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng, thì nay tăng lên 60.000 - 100.000 đồng.
Tài xế phải có giấy xét nghiệm Covid - 19
Đại diện một số nhà xe ở Tuy Phong giải thích rằng, buộc phải dừng vận chuyển hành khách khiến nhà xe mất nguồn thu, không đủ để chi trả lương cho người lao động, không đủ chi phí trả lãi ngân hàng nên phải bù lỗ. Với tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và diễn biến phức tạp, dự báo các doanh nghiệp vận chuyển hành khách còn đối mặt với tình trạng khó khăn này đến hết năm. Do đó, tận dụng xe chở khách để chở hàng là tình thế bất khả kháng của các nhà xe lúc này. Đã thế, giá xăng dầu lại có đợt tăng mới, nên các nhà xe đành tăng phí hàng hóa, bù đắp cho những chi phí khác.
Bình Thuận đã có ca dương tính trong đợt bùng dịch lần thứ 4 sau hơn 460 ngày yên ổn, vì thế việc vận chuyển hàng hóa từ Bình Thuận đi/đến các vùng có dịch (trong đó có TP. Hồ Chí Minh) càng được siết chặt hơn. Nhằm hạn chế lái xe vận chuyển hàng hóa đi, về trong và ngoài tỉnh lây lan dịch ra cộng đồng. Mới đây UBND TP. Phan Thiết đã chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hàng hóa nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh, lây lan dịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với các xe vận chuyển hàng hóa đi/về từ các tỉnh, thành có dịch đến thành phố thì các chốt kiểm soát dịch Covid-19 phải yêu cầu tài xế, phụ lái khai báo y tế và xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 trong 72 giờ. Nếu không có giấy xét nghiệm thì tài xế phải thông báo với công ty, chủ xe... cử tài xế ở tại Phan Thiết đến lái xe hàng vào. Trong trường hợp không có tài xế để lái xe vào thì hướng dẫn việc trung chuyển hàng hóa ngay tại chốt. UBND các phường, xã phải tăng cường tuyên truyền; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hàng hóa, đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân duy trì ổn định và phát triển kinh tế.
Hiện nay, dịch Covid-19 ở tỉnh ta đang diễn biến phức tạp, do đó mỗi người dân nhất là các tài xế vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh, thành có dịch cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, khai báo y tế đầy đủ tại các chốt kiểm soát và tốt nhất có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi vào địa phận của tỉnh.
Minh Vân