Nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng gây tác động khủng khiếp với khí hậu
Theo các nhà phân tích thuộc lĩnh vực môi trường và năng lượng, sự bùng nổ nhu cầu khí đốt có thể gây ra những tác động khủng khiếp đối với khí hậu trên Trái Đất.
Năm 2018 là một "năm vàng" của ngành khí đốt tự nhiên khi chứng kiến nhu cầu tăng mạnh trên toàn thế giới.
Đây là nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra ngày 7/6, khiến các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại về tác động đối với khí hậu của loại nhiên liệu đang ngày càng được ưa chuộng này.
Trong báo cáo về khí đốt tự nhiên công bố hằng năm, IEA cho biết trong năm ngoái, nhu cầu khí đốt đã tăng 4,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Khí đốt chiếm gần 50% tổng mức tăng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu.
Khí đốt tự nhiên, mặc dù thân thiện với môi trường hơn than đá, vẫn bị coi là một loại nhiên liệu hóa thạch "đóng góp" vào lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động của con người.
Sự gia tăng lượng khí đốt tiêu thụ chủ yếu do hoạt động sản xuất tăng đột biến ở Mỹ và nhu cầu thay thế than đá ở Trung Quốc.
Sản lượng khí đốt của Mỹ trong năm 2018 đã tăng 11,5% so với năm trước lên mức cao nhất kể từ năm 1951, và được dự báo đạt 1.000 tỷ m3 vào năm 2024.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, mức tiêu thụ khí đốt tăng mạnh lên 18,1% do chính phủ nước này chủ trương loại bỏ than đá.
Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho biết: "Trong năm 2018, khí đốt đóng một vai trò quan trọng trong một năm đáng chú ý về năng lượng. Tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng ở mức nhanh nhất trong thập kỷ này, trong đó khí đốt tự nhiên chiếm 45% mức tăng này, nhiều hơn bất kỳ loại nhiên liệu nào."
Cũng theo IEA, tiêu thụ khí đốt được dự báo sẽ tăng với tốc độ trung bình 1,6% mỗi năm cho đến ít nhất năm 2024.
IEA cho rằng khí đốt đã giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí và hạn chế sự gia tăng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thuộc lĩnh vực môi trường và năng lượng, sự bùng nổ nhu cầu khí đốt có thể gây ra những tác động khủng khiếp đối với khí hậu trên Trái đất, giữa lúc ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo của giới khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhà nghiên cứu cao cấp Lorne Stockman thuộc tổ chức Oil Change International nhấn mạnh: "Khí đốt không sạch, không rẻ và không cần thiết."
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp về dầu mỏ và khí đốt Murray Worthy thuộc Global Witness nhận định dự báo tăng trưởng đối với khí đốt tự nhiên là nằm ngoài mục tiêu khí thải do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đề ra.
Ông Worthy nhấn mạnh: "Một năm vàng đối với khí đốt tự nhiên có nghĩa là một năm thảm họa đối với khí hậu."
Theo ông, để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, thế giới cần giảm việc sử dụng khí đốt ngay từ bây giờ, và IEA cần kêu gọi chấm dứt đầu tư vào các hoạt động sản xuất khí đốt mới.
Trong báo cáo công bố năm ngoái, IPCC cho rằng biện pháp tốt nhất để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C là giảm 25% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ tới năm 2030 và 74% tới giữa thế kỷ này./.