Nhu cầu không gian nhà máy ở châu Âu 'bùng nổ' trước làn sóng nearshoring

Xu hướng đưa hoạt động sản xuất về gần thị trường tiêu thụ (nearshoring) thúc đẩy nhu cầu không gian nhà máy ở châu Âu tăng 29% trong năm ngoái, theo Công ty dịch vụ bất động sản thương mại Cushman & Wakefield.

Nhà máy sản xuất pin xe điện của hãng BMW (Đức) đang được xây dựng ở Debrecen, Hungary. Ảnh: EPA/EFE

Nhà máy sản xuất pin xe điện của hãng BMW (Đức) đang được xây dựng ở Debrecen, Hungary. Ảnh: EPA/EFE

Báo cáo gần đây của Cushman & Wakefield cho biết, các nhà sản xuất khắp trên thế giới đang đẩy mạnh các giao dịch thâu tóm nhà máy ở châu Âu bất chấp kinh tế khu vực này đang suy yếu. Các căng thẳng địa chính trị và mối lo ngại về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đưa hoạt động sản xuất ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, về gần hơn với khách hàng.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp đã thâu tóm hoặc thuê 9,5 triệu mét vuông không gian công nghiệp ở châu Âu, tăng 29% so với năm trước đó, theo báo cáo của Cushman & Wakefield. Phân tích của công ty dịch vụ bất động sản thương mại này dựa vào dữ liệu giao dịch ở chín nền kinh tế lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức.

Tim Crighton, người đứng đầu bộ phận hậu cần và công nghiệp châu Âu của Cushman & Wakefield, cho biết, gần đây đã chứng kiến các khách hàng đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất ở châu Âu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như các địa điểm sản xuất xa xôi khác.

Các doanh nghiệp đa quốc gia từ châu Á đến châu Âu đã mua lại các nhà máy ở châu Âu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng của họ ở lục địa này. Trong những thập niên gần đây, những doanh nghiệp này chủ yếu đặt cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và các nước có chi phí thấp khác.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhà máy mới xuất hiện khi tổng diện tích không gian công nghiệp ở châu Âu giảm trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu, khiến các nhà bán lẻ và chủ đầu tư nhà kho cắt giảm đầu tư.

Các công ty đang cân nhắc lại chiến lược khi căng thẳng giữa các chính phủ phương Tây và Bắc Kinh ngày càng gia tăng, cũng như tình trạng thắt nút cổ chai đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19.

Crighton cho biết, việc triển khai robot trong sản xuất làm giảm lợi thế chi phí sản xuất thấp ở những khu vực có lao động giá rẻ. Điều này tạo ra một tình huống hấp dẫn để các doanh nghiệp châu Âu thúc đẩy sản xuất ở những địa điểm nằm với người tiêu dùng.

Báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, Trung Âu và Đông Âu, nơi lao động tương đối rẻ, chứng kiến các khoản đầu tư rất lớn vào hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, Mercedes-Benz vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy đầu tiên dành riêng cho xe tải van điện ở Ba Lan trong khi BMW tăng công suất sản xuất pin xe điện ở một nhà máy mới tại Hungary.

Bert Hesselink, giám đốc quan hệ khách hàng của CTP, một trong những nhà phát triển bất động sản thương mại CTP lớn nhất châu Âu, ghi nhận bất động sản công nghiệp đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong danh mục đầu tư của công ty kể từ khi nhu cầu về không gian nhà kho giảm xuống.

“Khách hàng của chúng tôi đang thông báo rằng nếu bạn muốn tiếp tục cung cấp không gian nhà máy cho họ, bạn phải làm điều đó từ châu Âu thay vì Trung Quốc”, ông nói thêm.

Dù các khoản đầu tư vào các địa điểm nhà máy mới làm tăng chi phí của các nhà sản xuất trong thời kỳ lạm phát tăng cao, Hesselink cho biết các công ty đang ưu tiên đảm bảo hoạt động của họ tránh được “thảm họa” tiếp theo trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều rời khỏi Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp chứng kiến chuỗi cung ứng ở châu Âu bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng tăng cao, điều gần đây khiến cường quốc công nghiệp Đức rơi vào suy thoái. Hồi tháng 4, Akzo Nobel (Hà Lan), chủ sở hữu thương hiệu sơn Dulux, cho biết tập đoàn này thực sự phải tìm nguồn cung ứng nhiều hơn từ Trung Quốc sau khi chi phí năng lượng buộc các nhà cung cấp châu Âu đóng nhà máy.

Sau nhiều năm các công ty đa quốc gia phương Tây đầu tư vào Trung Quốc, giới lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo châu Âu đang thiếu lực lượng lao động sản xuất phù hợp.

“Tuyển dụng những người có kỹ năng phù hợp cho các nhà máy ở châu Âu là một thách thức lớn. Điều đó cần phải được giải quyết, chẳng hạn như đưa công nhân từ nước ngoài vào”, Hesselink nói.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhu-cau-khong-gian-nha-may-o-chau-au-bung-no-truoc-lan-song-nearshoring/