Nhu cầu lao động ở Long An ra sao?

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đến nay, số lượng lao động (LĐ) trở lại làm việc trong doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Long An đạt gần 100%. Hiện nay, DN dần ổn định, khôi phục sản xuất sau thời gian dài 'lao đao' vì dịch Covid-19 nên nhu cầu về LĐ vẫn rất lớn.

Sau tết, tỷ lệ lao động trở lại doanh nghiệp làm việc khá cao

Sau tết, tỷ lệ lao động trở lại doanh nghiệp làm việc khá cao

Lao động ít “nhảy việc”

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong quí III/2021, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN. Chi phí sản xuất của DN tăng cao do chi phí nguyên, vật liệu, vận chuyển tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch bệnh,... Mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Long An là một trong những địa phương sớm tạo điều kiện cho DN trở lại sản xuất, thích ứng an toàn với dịch bệnh từ giữa tháng 9/2021 khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát. Đến cuối tháng 11/2021, 100% DN hoạt động trở lại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13.712 DN có vốn đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 349.095 tỉ đồng. Đối với dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh đến nay là 1.127 dự án, với tổng số vốn 9.385,2 triệu USD; hiện có 588 dự án đi vào hoạt động, với tổng số vốn đầu tư 3.624 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 2.423ha, lấp đầy đạt 90,6%, thu hút hơn 166.000 LĐ làm việc ổn định. Hiện có 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 88,7%, thu hút trên 16.000 LĐ làm việc ổn định. Số LĐ đang làm việc trong các DN hơn 294.000 người. Phần lớn DN có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), DN có nhiều LĐ đa số tập trung tại các khu công nghiệp với các ngành, nghề như chế biến thủy sản, may mặc, gia công giày da,...

Theo Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, tình hình LĐ, việc làm những tháng cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tỷ lệ LĐ “nhảy việc” sau tết giảm so với các năm trước. Đến nay, LĐ trở lại làm việc rất cao, đạt gần 100%. Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Tình hình thị trường LĐ ít biến động sau tết và tỷ lệ trở lại làm việc cao là nhờ có sự quan tâm của DN đối với người LĐ trong thời gian qua. Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, DN vẫn cố gắng trả lương ngừng việc để giữ chân người LĐ”.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người LĐ cũng có ít cơ hội và lựa chọn chuyển đổi việc làm khác nên đa phần đều có nhu cầu gắn bó với DN cũ. Như Công ty (Cty) Cổ phần Bêtông Ly Tâm Thủ Đức (huyện Bến Lức) hiện có 100% công nhân, LĐ trở lại làm việc. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, gây ra nhiều khó khăn nhưng Cty vẫn đặc biệt quan tâm chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người LĐ. Theo Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty - Văn Công Luận, trong đợt tết vừa rồi, tất cả công nhân, LĐ đều được tặng quà tết; công nhân, LĐ ở xa được hỗ trợ vé xe về quê đón tết.

Ngoài ra, tất cả công nhân, LĐ đều có lương tháng 13. Riêng công nhân, LĐ làm việc lâu năm được thưởng thêm lương tháng 14 hoặc 1/2 lương tháng 14, tùy thâm niên làm việc. Ngoài ra, thời gian qua, Cty còn hỗ trợ, giúp đỡ công nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó là sự khích lệ, động viên và “giữ chân” LĐ yên tâm gắn bó với Cty.

Nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn

Việc LĐ trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao giúp DN an tâm phần nào trong lúc đang nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài gặp khó khăn do dịch Covid-19. Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Qua khảo sát nắm tình hình thị trường LĐ hiện nay ở tỉnh thì dự báo trong năm 2022, các DN trên địa bàn Long An vẫn có nhu cầu tuyển dụng một nguồn LĐ rất lớn, ước khoảng 51.000 vị trí việc làm. Trong đó, LĐ phổ thông chiếm 71,8%; chế biến, chế tạo chiếm 17,75%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 7,57%; kinh tế, văn phòng chiếm 7,58%”.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2022, nhu cầu LĐ đối với các DN vẫn khá lớn. Chỉ riêng trong tháng 01 và 02/2022, toàn tỉnh có 210 DN chủ yếu đóng ở các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An đăng ký tuyển dụng gần 5.000 vị trí việc làm. Các lĩnh vực tuyển dụng nhiều nhất là các ngành may mặc, giày da, may balô, túi xách, sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản phẩm cơ khí, nhà thép tiền chế, bao bì,... Để bảo đảm nguồn lực, số lượng LĐ làm việc trong diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về LĐ. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể, DN thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, an sinh xã hội và giúp đỡ, hỗ trợ, giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để người LĐ làm việc.

Tại hội nghị trực tuyến với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ LĐLĐ tỉnh thực hiện đúng tiến độ về xây dựng thiết chế Công đoàn trên địa bàn, góp phần thu hút LĐ đến Long An trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, bà cũng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh miền Tây còn nguồn LĐ địa phương để làm cầu nối tổ chức ngày hội việc làm. Từ đó, Công đoàn và các DN trên địa bàn tỉnh Long An sẽ đến đó để trực tiếp tuyển dụng, đón người LĐ về làm việc./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhu-cau-lao-dong-o-long-an-ra-sao-a131583.html