Nhu cầu tăng mức hỗ trợ khi mở đường Đặng Thai Mai
Người dân quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, gây khó cho việc hoàn thành công tác xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai (giai đoạn I) vào cuối tháng 6 theo yêu cầu.
Triển khai dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai, giai đoạn I, UBND quận Tây Hồ đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất thu hồi trên 48.000 m², liên quan đến 183 trường hợp gia đình, cá nhân và tổ chức.
Hiện nay, ở khu vực đất nông nghiệp Hủng Mạ - mặt đường Đặng Thai Mai, hầu hết các hộ dân đều đang cho thuê hoặc trực tiếp kinh doanh. Do đó, 48 hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù 290.000 đồng/m² đất nông nghiệp và hỗ trợ 6 tháng gạo, mỗi tháng 30 kg.
Bà Nguyễn Thị Lý (quận Tây Hồ) chia sẻ: "Nguyện vọng của chúng tôi là đề nghị, kiến nghị với các cấp lãnh đạo, ủy ban dự án xem xét lại mức giá bồi thường tăng lên cho chúng tôi".
Cùng là đất nông nghiệp, nhưng 23 hộ dân ở ngõ 12 đã xây dựng nhà ở. Đây cũng là các trường hợp không đồng ý cho đơn vị chức năng vào đo đạc, kiểm đếm. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, trong tổng số 183 trường hợp, đến nay, 160 trường hợp đã được điều tra hiện trạng. Đối với 23 trường hợp không hợp tác điều tra, Ban Quản lý đã ban hành các quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc theo quy trình.
Ông Bùi Như Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho hay: "23 trường hợp đã ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận sẽ tham mưu UBND quận triển khai công tác cưỡng chế, kiểm tra bắt buộc, đồng thời lên phương án dự thảo nguồn gốc đất và tổ chức thực hiện bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2025".
Về kiến nghị đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp thấp và mong muốn tái định cư bằng đất của người dân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội khẳng định đã áp dụng phù hợp các quy định hiện hành. Tuy nhiên, sắp tới, trên cơ sở văn bản đề xuất của quận Tây Hồ, liên ngành thành phố sẽ xem xét.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết: "UBND thành phố Hà Nội đã có những chính sách đặc thù hỗ trợ khác cho việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Trước 15/10/1993 thì được hỗ trợ 50%, từ 15/10/1993 đến mùng 1/7/2004 thì được hỗ trợ 30%. Những nội dung này cũng phải căn cứ nguồn gốc sử dụng đất, quá trình sử dụng đất; chúng tôi cũng sẽ phối hợp với quận Tây Hồ để rà soát và thẩm định quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trong dự án".
Dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai, giai đoạn I, có chiều dài gần 1,3 km từ khu biệt thự Tây Hồ đến vị trí giao cắt với đường Xuân Diệu. Quy mô mặt cắt ngang rộng 93,6m. Dự án được triển khai với mục tiêu kết nối giao thông giữa khu nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ Tây Hồ với các khu vực lân cận nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào dịp lễ, Tết, các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng. Qua đó, từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông khu vực theo quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội - du lịch; tạo ra tuyến phố văn minh - hiện đại.
Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng dự án phải hoàn thành trước 30/6/2025 và hoàn thành mở rộng tuyến đường vào tháng 6/2026.