Nhu cầu thịt của toàn cầu khiến rừng Amazon chìm trong biển lửa

Nhu cầu thịt gia tăng trên toàn cầu đã thúc đẩy các hoạt động đốt rừng lấy đất làm trang trại chăn nuôi ở Brazil và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến rừng mưa Amazon, 'lá phổi xanh' của trái đất, đang chìm trong biển lửa.

 Diện tích rừng bị phá ở Amazon lên mức kỷ lục trong tháng 7-2019. Ảnh: Guardian

Diện tích rừng bị phá ở Amazon lên mức kỷ lục trong tháng 7-2019. Ảnh: Guardian

Theo dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE), số vụ cháy rừng trong năm nay ở Brazil là hơn 78.000 vụ, trong đó, có phân nửa vụ cháy xảy ra ở rừng Amazon. Con số này tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái và cao kỷ lục kể từ năm 2013. Chỉ trong hai ngày 22 và 23-8, đã có thêm 1.663 vụ cháy rừng mới xảy ra ở nước này.

Các đám cháy rừng nghiêm trọng ở rừng Amazon khó có thể xem là tai nạn ngẫu nhiên. Phần lớn các đám cháy rừng xuất phát từ việc đốt rừng để lấy đất chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, Alfredo Sirkis, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Brazil, người sáng lập đảng Xanh, cho rằng một số kẻ đầu cơ đốt rừng lấy đất với hy vọng bán lại giá cao cho những người làm trang trại chăn nuôi.

Alberto Setzer, nhà khoa học cấp cao ở INPE, cho hay các vụ đốt rừng phát quang lấy đất có thể phục vụ các dự án nông nghiệp nhỏ lẫn các dự án nông nghiệp hiện đại, được cơ giới hóa.

Các hoạt động đốt rừng phát quang gia tăng đột biến dường như là kết quả của chính sách ủng hộ mở rộng ngành công nghiệp sản xuất thịt bò của Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, người được sự hậu thuẫn của nhóm nghị sĩ bảo vệ cho các lợi ích nông nghiệp ở nước này.

Bolsonaro, người nhậm chức tổng thống Brazil hồi tháng 1, nhiều lần nói rằng cần phải “mở cửa” rừng Amazon để phục các lợi ích kinh tế. Điều này sẽ cho phép các công ty nông nghiệp, khai khoáng... khai thác các nguồn tài nguyên của khu rừng.

Trong khi đối với các nông dân nuôi bò ở Brazil, chuyện đốt rừng lấy đất để chăn nuôi là điều bình thường thì phần còn lại của thế giới đang hoảng hốt khi thấy rừng Amazon chìm trong biển lửa.

 Diện tích rừng bị phá ở Amazon lên mức kỷ lục trong tháng 7-2019. Ảnh: Guardian

Diện tích rừng bị phá ở Amazon lên mức kỷ lục trong tháng 7-2019. Ảnh: Guardian

Viết trên Twitter hôm 22-8, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, người chủ trì hội nghị cấp cao Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp bắt đầu từ ngày 24-8, cho biết: “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy, đúng theo nghĩa đen. Rừng mưa Amazon, lá phổi sản xuất 20% lượng khí oxy của hành tinh của chúng ta, đang cháy. Đó là một cuộc khủng hoảng quốc tế. Các thành viên của khối G7 hãy ưu tiên thảo luận tình hình khẩn cấp này trong hai ngày họp”.

Điện Elyseé cũng ra thông báo nhấn mạnh: “Tổng thống Brazil Bolsonaro đã không tôn trọng các cam kết về khí hậu và cũng không hành động bảo vệ đa dạng sinh học. Trong các điều kiện này, Pháp phản đối thỏa thuận Mercosur”.

Với diện tích gần 5,5 triệu km2, tương đương một nửa diện tích châu Âu, rừng mưa Amazon cũng là nơi cung cấp 20% nguồn nước ngọt cho thế giới và là nơi sinh sống của hơn 34 triệu người. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil.

Hôm 23-8, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Mika Lintila ra tuyên bố lên án các hoạt động hủy hoại rừng Amazon và đề xuất Liên minh châu Âu (EU) cần khẩn cấp xem xét cấm nhập khẩu thịt bò Brazil, nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, cung cấp gần 20% sản lượng xuất khẩu thịt bò toàn cầu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Tỉ lệ này có thể tăng lên trong những năm tới.

Năm ngoái, Brazil xuất khẩu thịt bò ở mức cao kỷ lục 1,64 triệu tấn, thu về 6,57 tỉ đô la Mỹ, theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil (Abiec), đại diện cho hơn 30 nhà chế biến và đóng gói thịt bò ở nước này.

Tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất thịt bò Brazil được thúc đẩy một phần là nhờ nhu cầu gia tăng từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Hai thị trường này đang đóng góp gần 44% tổng giá trị xuất khẩu thịt bò của Brazil trong năm 2019, theo USDA.

Hồi tháng 6, EU và Khối thương mại Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) đạt được thỏa thuận thương mại tự do và điều này có thể giúp mở rộng cửa các thị trường châu Âu hơn nữa cho ngành sản xuất thịt bò Brazil. Ông Antônio Camardelli, Chủ tịch Abiec, nói rằng hiệp định có thể giúp Brazil thúc đẩy doanh thu với các thị trường hiện tại đồng thời mở cánh cửa đàm phán để tiếp cận các thị trường mới đầy triển vọng chẳng hạn như Indonesia và Thái Lan.

Một khi có hiệu lực sau khi được các thành viên EU thông qua, thỏa thuận thương mại tự do EU-Mercosur sẽ dỡ bỏ mức thuế nhập khẩu 20% mà EU đang áp đặt với thịt bò Brazil. Tuy nhiên, hôm 23-8, Ireland, một thành viên của EU, tuyên bố nước này sẵn sàng chặn thỏa thuận này trừ phi Brazil phải hành động ứng phó các đám cháy ở Amazon. Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, cho biết nước này sẽ giám sát các cam kết bảo vệ môi trường của Brazil để quyết định liệu có nên ngăn chặn thỏa thuận Mercosur hay không.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, cũng nói rằng ông cực kỳ lo ngại về tình hình cháy rừng gia tăng ở Amazon và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ các cánh rừng ở đây.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, Sigrid Kaag, nói rằng EU nên sử dụng thỏa thuận Mercosur để gây áp lực đối với các chính phủ trong khu vực Nam Mỹ, nơi có rừng Amazon bao phủ.

Dù có thỏa thuận Mercosur hay không, ngành công nghiệp sản xuất thịt bò Brazil được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên, diện tích đồng cỏ rộng lớn và nhu cầu thịt bò toàn cầu đang tăng, theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD).

Một báo cáo chung của OECD và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng thịt bò toàn cầu sẽ tăng 16% trong giai đoạn 2017-2027 để đáp ứng nhu cầu gia tăng và phần lớn sản lượng sẽ đến từ các nước như Brazil.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, tối 23-8, Tổng thống Jair Bolsonaro lên truyền hình tuyên bố Brazil sẽ triển khai lực lượng quân đội để dập tắt các vụ cháy rừng ở rừng Amazon.

Theo CNN, Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293223/nhu-cau-thit-cua-toan-cau-khien-rung-amazon-chim-trong-bien-lua.html