Nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi: Tín dụng sẽ bứt tốc?
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có thêm gần 1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Những tháng còn lại của năm 2024, các ngân hàng dự báo sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực cho vay. Điều này dự báo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.
Nhu cầu vốn tăng
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty Cổ phần quốc tế Dony (May mặc Dony) cho hay, tình hình đơn hàng may mặc đang rất sáng. “Đơn hàng cứ tốt thế này thì chắc chắn chúng tôi sẽ đủ việc làm cho người lao động đến tháng 1 - 2/2025”, CEO Dony chia sẻ.
Theo vị này, hiện việc cho vay vốn của doanh nghiệp cũng khá đơn giản về thủ tục, lãi vay cũng khá hấp dẫn. “Hiện, Dony đang được vay vốn với mức lãi suất chỉ 7%/năm và đang có nhiều ngân hàng chào vay với mức lãi suất hấp dẫn tương tự. Tất nhiên, để được vay với lãi suất này một phần là do Dony có lịch sử tín dụng rất tốt”, ông Phạm Quang Anh nói.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cũng cho biết, từ đầu quý II/2024, bức tranh kinh tế đã ổn định hơn, ngân hàng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay, các chủ đầu tư nỗ lực “làm mới” các sản phẩm, dự án cũ để đưa ra thị trường, bên cạnh những sản phẩm mới.
Đồng thời, chính sách tiền tệ theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp. Đây là những yếu tố tích cực cho sự tăng trưởng của tín dụng những tháng cuối năm.
“Điều mà các doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng nhất hiện nay là Chính phủ sẽ sớm ban hành thêm hướng dẫn về luật mới trong một vài tháng tới. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư giải quyết các vấn đề về xác định giá đất và quyền sử dụng đất, từ đó tiếp cận được nguồn tài chính cho việc phát triển dự án mới”, TS Nguyễn Duy Phương kỳ vọng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 14,3 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Đáng nói, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng 2,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; công nghệ cao tăng 18,16%…
Điều này cho thấy tín dụng đã tăng trưởng nhờ nhu cầu vay phục hồi, đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách giảm thuế, phí giá trị gia tăng và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.
Về phía cơ quan điều hành, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và cân đối tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết để đảm bảo có nguồn vốn cho vay, đáp ứng các nhu cầu vay hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên cơ sở tiết giảm chi phí và trên cơ sở điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước một cách ổn định để tạo mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định.
“Các tổ chức tín dụng sẽ được đốc thúc tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương tháo gỡ, xử lý. Trên cơ sở đó, chúng tôi tin chắc từ nay đến cuối năm tín dụng có thể sẽ tăng một cách tích cực”, ông Tú cho hay.
Ngân hàng tích cực “khơi thông” dòng vốn
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh tăng sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng tích cực hơn. Trong đó, ở phía cơ quan quản lý, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, qua đó khơi thông dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên.
“Chúng tôi cũng đang tiến hành đánh giá về gói 120.000 tỷ đồng, làm thế nào để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giải ngân một cách tốt nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có đề xuất Chính phủ. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, chúng tôi sẽ tăng cường thêm nhiều ưu đãi cho gói này, tăng thêm lãi suất ưu đãi từ 2% lên 3%, và thời hạn kéo dài 5 năm.
Mức lãi suất cho 5 năm tiếp theo có thể sẽ giảm 1 - 2% để tạo điều kiện cũng như để khách hàng yên tâm vay tiền mua nhà thay vì quy định thả nổi như hiện tại”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo ông Tú, nguồn vốn cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ bó hẹp với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, mà còn thu hút các ngân hàng thương mại tư nhân cùng tham gia.
Hiện đã có thêm 4 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói này với mức đăng ký thêm 20.000 tỷ đồng, nâng quy mô của gói tín dụng lên 140.000 tỷ đồng.
Về phía các ngân hàng thương mại, hàng loạt ngân hàng cũng đã xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Chẳng hạn, TPBank cũng đã dành nhiều gói ưu đãi lãi suất, đặc biệt dành cho các lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất dao động từ 5% - 8%/năm… Tại Agribank, nhà băng này mới đây đã nâng quy mô gói tín dụng cho vay lâm, thủy sản lên 8.000 tỷ đồng, tăng thêm 5.000 tỷ đồng so với cam kết ban đầu.
Hiện nay, Agribank đã giải ngân được 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/10/2024, Agribank cũng tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay trung, dài hạn đối với khách hàng cá nhân đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm…
Tại Nghị quyết 93/NQ-CP mới ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả, lành mạnh.