'Như có Bác trong ngày đại thắng': Giai điệu của chiến thắng
Những giai điệu của ca khúc 'Như có Bác trong ngày vui đại thắng' được ngân lên không chỉ bằng âm thanh mà được dệt từ cảm xúc, sự thăng hoa của tâm hồn con người khiến trái tim người nhạc sĩ như hòa nhịp cùng muôn vạn trái tim người thưởng thức.
Bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" vang lên khắp nơi trên cả nước những ngày này. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công. Việt Nam - Hồ Chí Minh…”. Những giai điệu và lời ca của bài hát được viết trong thời khắc thiêng liêng của lịch sử đã thôi thúc tôi đến gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả của bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” - một tác phẩm trác tuyệt, vừa giản dị, vừa hào sảng, gần gũi và rất đỗi tự hào.

Ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" qua màn trình diễn của 100 cháu thiếu nhi trong chương trình chính luận nghệ thuật "Khúc ca khải hoàn"
Những ngày tháng Tư lịch sử ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi đó đang là Trưởng Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông kể: “Đêm 28/4/1975, tôi viết nhạc và lời của bài hát. Ngày 30/4/1975, ông Trần Lâm (Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó) gọi điện cho tôi, bảo: Bây giờ đến ngày giải phóng rồi, ông có tác phẩm nào không, tôi đưa lên Đài. Tôi nói tôi có bài hát ngắn này đây, viết cho ngày giải phóng như một tiếng reo vui”.
Và bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 - ngày mà cả non sông nối liền một dải, Nam Bắc chung một nhà. Từ khi ra đời, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã như một biểu tượng của khúc khải hoàn ca vinh danh chiến thắng, là bài hát của ngày chiến thắng, đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già dân tộc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và tác giả bài viết - BTV Thúy Thúy
Người vợ thân yêu của nhạc sĩ Phạm Tuyên, bà Nguyễn Ánh Tuyết, một nhà giáo, nhà khoa học, người đặt nền móng xây dựng Khoa Giáo dục mầm non của trường Đại học Sư phạm, tác giả của trên 30 đầu sách với nhiều thể loại: sách nghiên cứu, sách phổ biến khoa học, sách giáo trình đại học… trong cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” bà viết: “…Nhớ lại đúng vào thời điểm 21h30’ đêm 28 tháng 4 năm 1975, khi nghe bản tin thời sự loan báo Nguyễn Thành Trung, một trung úy phi công “ngụy” đã ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, một niềm xúc động dâng trào với linh cảm là chẳng còn bao lâu nữa thôi thì Sài Gòn và cả miền Nam sẽ được giải phóng! Đêm hôm ấy, tôi thấy anh bồi hồi khác thường, trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra đứng đầu cầu thang, nơi đó có một bóng đèn chiếu sáng, ngoài trời lâm thâm mưa. Anh cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” để không phá giấc ngủ của vợ con (vì nhà rất chật). Cả cuộc đời gắn bó với nhân dân, với đất nước, sống với lý tưởng cao đẹp, một cuộc đời không ngừng phấn đấu vươn lên, khổ đau và hy vọng để bây giờ có thể hát lên: “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông!”. Bài hát được anh sáng tác trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vào cái đêm 28/4/1975, nhưng nói cho chính xác thì nó được sinh ra từ khoảnh khắc đó cộng với cả cuộc đời anh. Và chỉ mấy ngày sau thôi, bài hát đã vang lên khắp cả miền Bắc và cả các đô thị, xóm ấp miền Nam mới giải phóng đúng vào ngày lễ 1/5 năm đó….”.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên và tác giả bài viết
Khi kể về kỷ niệm với bài hát đặc biệt này, cô con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Phạm Hồng Tuyến tâm sự: “…Bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" rất dễ thuộc, không cần bố dạy hát, mà chỉ nghe qua sóng phát thanh, tôi cũng hát được. Ngày mùng 1 tháng 5, đúng sinh nhật tôi, chơi đùa cùng các bạn ở khu Khương Thượng, cả lũ chúng tôi hát véo von, rồi đi "tuần hành" lên gác, xuống sân, hát đi hát lại không chán. Ở đâu cũng vang lên giai điệu hào sảng, tươi sáng, giản dị mà khí thế, dễ nhớ ấy. Ấn tượng nhất với mọi người là đoàn quân nhạc chơi không ngừng nghỉ quanh Bờ Hồ. Bài hát ra đời thật đúng lúc, như một tiếng reo vui mừng ngày hòa bình sau bao năm chiến tranh…”.
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa khi nhắc nhớ về nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã viết: “…có thể nói, Phạm Tuyên như một người chép sử bằng âm thanh. Trước mọi biến động của lịch sử đất nước, ta đều tìm thấy trong âm nhạc của Phạm Tuyên. Ông viết khỏe, viết nhanh mà không hề sống sít. Có thể dõi theo từng ca khúc của Phạm Tuyên mà tìm thấy từng bước đi của Cách mạng. Ngay buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Sài Gòn vừa được giải phóng, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng. Thật hào sảng, khi Phạm Tuyên đã thay mặt cho toàn thể nhân dân tuyên bố cho thế giới biết:
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến đã thành công
Bài hát như một tiếng reo vui của tất cả mọi tầng lớp người ở mọi lứa tuổi. Giai điệu và lời ca đều rất giản dị”.
Thật kỳ diệu khi một bài hát chỉ có một đoạn nhạc, không điệp khúc, nhưng vẫn đủ sức lay động hàng triệu trái tim. Nó vang lên không chỉ trong ngày chiến thắng mà còn trong những dịp trọng đại của đất nước như một bản anh hùng ca bất tử, minh chứng rằng: dù thời gian có trôi qua thì những giá trị lịch sử và tinh thần của Bác Hồ vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
NSND Tuyết Thanh bày tỏ cảm xúc khi hát bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" tại Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30/4/1975.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hải Dương. Ông là con trai thứ 9 của nhà báo Phạm Quỳnh - một trí thức lớn thời kỳ đầu thế kỷ 20. Nhạc sĩ Phạm Tuyên được đào tạo âm nhạc bài bản tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông sáng tác rất nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng đều có những tác phẩm nổi tiếng, được đông đảo quần chúng nhân dân và người yêu nhạc mến mộ. Có thể kể đến như cac tác phẩm tiêu biểu ở thể loại nhạc cách mạng: Như có Bác trong ngày đại thắng; Chiếc gậy Trường Sơn; Đảng đã cho ta một mùa xuân…, nhạc thiếu nhi như: Em yêu trường em; Cánh én tuổi thơ; Tiến lên đoàn viên; Chiếc đèn ông sao… Ở thể loại nhạc phim và nhạc hiệu trên truyền hình, ông cũng có tác phẩm ấn tượng.