Như Covid chưa từng tồn tại…
Tháng 8-2021, sau những ngày lang thang ở Copenhague, tôi quyết định đi thăm Hensingor, thành phố cảng nằm ở phía đông Đan Mạch, nơi có lâu đài Kronborg Castle được đại văn hào Shakespeare lấy làm bối cảnh viết nên một trong những tác phẩm để đời của ông là Hamlet.
Từ Hensingor chỉ cần đi phà tới bờ biển đối diện đã là phần đất Thụy Điển. Vốn là thành phố du lịch, lại đang giữa mùa hè, nhưng Hensingor vắng lặng với những đường phố cổ lát gạch trống rỗng. Khi màn đêm buông xuống chúng tôi rẽ vào một quán bar ở trung tâm. Khác với cảnh tĩnh lặng bên ngoài, bên trong quán khá ồn ào với những bàn billards và thực khách trẻ nhâm nhi bia rượu.
Chủ quán – tầm ba mươi tuổi – kể bar này mới mở cửa lại được chừng ba tuần sau hai năm “nghỉ ngơi” vì Covid-19. Sinh ra và lớn lên ở Hensingor, định gắn bó cả đời với thị trấn biên giới này, nhưng nay ông chủ trẻ đã buộc phải lên Copenhague tìm việc.
Một góc Helsingor.
Đan Mạch với 5,8 triệu dân, đã từng được thế giới ca ngợi như một phiên bản thành công trong chống lại dịch Covid-19, đến đầu tháng 12 vừa rồi – tức chưa đầy sáu tháng sau ngày mở cửa hoàn toàn, người dân không phải đeo khẩu trang – lại một lần nữa áp dụng các biện pháp ngăn ngừa chủng mới Omicron, theo đó các quán bar đóng cửa. Khi biết tin này, suy nghĩ của tôi trôi ngược đến ông chủ quán bar ở Hensingor. Không biết anh có lại khăn gói lên thủ đô kiếm sống.
Covid-19 đã thay đổi không chỉ lối nghĩ, lối sống, lối hành xử của mọi người trên khắp các châu lục, mà còn thay đổi tận gốc rễ cách con người ứng xử với thiên nhiên.
Trước Covid trái đất đã nóng lên, băng đã tan nhanh hơn ở Bắc cực, nhiều nước tham gia chống biến đổi khí hậu, song chỉ từ khi xuất hiện Covid, chúng ta mới nhìn lại những gì đã diễn ra trên hành tinh, trong từng quốc gia, trong mỗi thành phố, mỗi gia đình và bản thân mỗi người. Nhiều người, trong đó có tôi và những người tôi quen biết, tiếp xúc hàng ngày xung quanh, hiểu ra rằng thế giới đang biến đổi không ngừng, một cách nhanh hơn, một cách khác hơn, còn con người chưa chuẩn bị hết mình và hẳn chưa sẵn sàng 100% cho sự thay đổi ấy.
Người cá là đàn ông, một biểu tượng cua Helsingor.
Một trong những sự thay đổi lớn lao là chấp nhận tiêm vaccine ngừa Covid. Nước Mỹ chật vật mãi mà tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 60% tổng dân số. Số người chết vì Covid và ca nhiễm mới ở Mỹ cao nhất thế giới dù vaccine thừa mứa và ai muốn tiêm lúc nào cũng được đáp ứng. Châu Âu vẫn còn những cuộc biểu tình chống tiêm chủng ở không ít nước. Bất chấp khoảng 89% dân số Pháp đã tiêm chủng, hàng tuần những người chưa tiêm hoặc không muốn tiêm vẫn tuần hành tại nhiều thành phố.
Tôi thật sự bất ngờ khi biết Patrick và vợ anh ở vùng Rhône – Alpes (Pháp) phản đối tiêm vaccine. Anh là người sáng lập một startup và vợ anh làm việc cho một tổ chức từ thiện. Lý do không tiêm chủng của Patrick thoạt nghe khá đơn giản: anh không tin các loại vaccine phát triển trong vòng 12-18 tháng đủ tốt và an toàn cho con người. “Thông thường các nhà khoa học cần 10 năm để thử nghiệm, phát triển một loại vaccine. Các vaccine ngừa Covid thử nghiệm chưa đủ cả về thời gian cũng như đối tượng để đảm bảo an toàn. Tiêm vaccine khác nào trở thành “chuột bạch” cho thí nghiệm của các hãng dược”, Patrick nói. Suy nghĩ của anh có thể khiến nhiều người sốc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh cũng có lý.
Patrick và những người như anh không cần hộ chiếu vaccine để đi nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại, du lịch và gặp gỡ mọi người. Thỉnh thoảng anh lại làm một test xét nghiệm Covid. Lần gần nhất anh phải trả 25 euro cho xét nghiệm PCR, trong khi những người đã tiêm vaccine được xét nghiệm miễn phí.
Dọc bờ kênh Copenhague.
Thế rồi tháng trước Patrick và vợ anh nhiễm Covid. Anh ốm hai tuần, vợ anh nặng hơn, nằm liệt giường ba tuần, rất may họ không phải nhập viện. Giờ, sau khi khỏi bệnh, anh hớn hở khoe đã có vaccine tự nhiên trong cơ thể.
Giả dụ tất cả mọi người đều hành xử như Patrick và các quốc gia không đạt được miễn dịch cộng đồng, Covid chắc chắn nặng nề hơn, nhiều người từ giã cõi đời hơn và cuộc sống chưa biết đi đâu về đâu.
Sự thay đổi lớn thứ hai mà thế giới đang chứng kiến là làm việc tại nhà. Chưa có thống kê chính thức bao nhiêu phần trăm dân cư quả đất xem làm việc tại nhà là thời thượng. Cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp nhà báo cảm thấy khó khăn khi không thể gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn trực tiếp các nguồn tin như trước. Các cuộc họp báo, hội thảo… đều chuyển thành trực tuyến. Những ngành nghề mà người làm luôn di chuyển, luôn xuống hiện trường, xuyên vào thực tế là những ngành chịu nhiều “đau đớn” vì làm việc trực tuyến.
Gần nhà tôi có một cô bé đang học cấp hai phổ thông. Có bữa cô bé nói: “Con nhớ những giờ ra chơi sân trường đầy ắp bạn bè”. Chị cô bé, đang là sinh viên năm thứ nhất đại học, ban đầu xem học trực tuyến như một món quà Giáng sinh sớm, không phải mất thời gian đi từ nhà đến giảng đường. Từ nghe giảng đến thảo luận, thi cử… nhất nhất trực tuyến. Được một năm, trên cuốn lịch để bàn của cô bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những cuộc gặp bạn bè, thầy cô và lên thư viện. Cô bảo: “Con thấy cô đơn, trao đổi mãi với mọi người trên mạng trở nên nhàm chán. Chẳng lẽ cuộc sống thế hệ bọn con gói gọn trong thế giới ảo hay sao?”.
Cuộc sống là sự tương tác trực tiếp, từ những chuyển động bình thường của con người như đi lại đến di dân, chiến tranh, đàm phán hòa bình… Vậy mà thế giới ảo, mạng xã hội đang lấn chiếm ngày một mạnh mẽ hơn cuộc sống thật. Đã có những người trả hàng triệu đô la mua mảnh đất tồn tại trên mạng. Liệu chúng ta đã sẵn sàng đến đâu để thích ứng với sự thay đổi vĩ đại từ sống thực sang sống ảo, sống ảo đan xen sống thực và chấp nhận những gì chúng ta có từ cuộc sống ảo như một phần gắn bó của cuộc đời? Tôi đặt câu hỏi với bạn bè và thật ngạc nhiên khi 70% số câu trả lời mong muốn một cuộc sống như trước kia, như Covid chưa từng tồn tại.
Trên dòng hành trình phiêu lưu mùa hạ, khi dừng chân ở Lìege vào ban trưa – một thành phố ở Bỉ – nơi giao lộ của những đoàn dài xe tải chở container từ đất liền đến các cảng của Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Pháp, một số thành viên đoàn chúng tôi thốt lên họ chưa bao giờ nhìn thấy một cảnh tượng giao thông nhộn nhịp, kéo dài đến vậy. Đó là thời điểm “cơn sốt” đứt gãy chuỗi cung ứng và khủng hoảng giá cước vận tải biển thống trị toàn thế giới. Những hãng vận tải biển lớn nhất toàn cầu như Maersk hay Hapad Lloyd, CMA CGM… hoạt động hết công suất mà giá cước vẫn tăng 5-10 lần. Đứt gãy chuỗi cung ứng là một trong những khởi nguồn của lạm phát phi mã ngày hôm nay.
Maersk, gã khổng lồ số 1 của hàng hải thế giới, niềm tự hào của người Đan Mạch, mang trong mình dòng máu Viking, theo Reuters chỉ riêng trong quí 3-2021 báo lãi trước thuế, trước chi phí lãi vay và khấu hao 6,8 tỉ đô la Mỹ. Mức lợi nhuận này chia đều cho dân số Đan Mạch thì mỗi người được hơn 1.100 đô la. Lợi nhuận khủng chưa từng có của Maersk có lẽ là một thí dụ điển hình cho sự thay đổi chóng mặt mang tính thách thức của nền kinh tế toàn cầu mà Covid tạo ra.
Trong cuộc phỏng vấn gần nhất với một chuyên gia kinh tế, ông cho biết ông đang chuyển sang nghiên cứu… triết học cả phương Đông lẫn phương Tây. Lý do: Covid đã khiến nhiều học thuyết kinh tế không còn đúng với thực tế, thị trường tài chính biến động không theo lý thuyết sách vở nào cả. Không phải các tổ chức, chính các nhà đầu tư cá nhân trước Covid còn là “tay mơ” về tài chính, mới là những người đang quyết định “cuộc chơi” hiện tại. Lý thuyết tài chính sẽ được viết lại với quan điểm, cách nhìn nhận khác về vai trò của nhà đầu tư cá nhân. Không nghi ngờ, một lần nữa, đây là thay đổi lớn hậu Covid mà con người sẽ còn cần thêm thời gian để tập thích nghi.
Hải Lý
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhu-covid-chua-tung-ton-tai/