Như giọt sương trong vắt, như tia nắng buổi bình minh

Đội ngũ người làm báo chúng ta nhìn lại, tự vấn bản thân mình, làm sao để luôn giữ 'bút sắc', 'lòng trong' và bầu nhiệt huyết để tiếp tục vững bước làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình.

Người làm báo được trân trọng gọi với danh xưng “nhà báo”, “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”. Ảnh: TL

Người làm báo được trân trọng gọi với danh xưng “nhà báo”, “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”. Ảnh: TL

Báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”. Người làm báo được trân trọng gọi với danh xưng “nhà báo”, “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”. Nhà nước còn dành riêng ngày để tôn vinh các nhà báo - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Những ngày này, tại các cơ quan báo chí không khí đang tràn ngập hân hoan, với những lẵng hoa tươi thắm và những cuộc thăm hỏi, chúc mừng. Có khoảng lặng nào cho những trăn trở, tự vấn: Đội ngũ người làm báo đã thật sự xứng đáng với những ưu ái này chưa?

Theo số liệu công bố mới nhất từ Cục Báo chí, hiện cả nước có 127 cơ quan báo; 673 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người… Cuộc “cải tổ làng báo” mấy năm qua, đã rút gọn từ con số 199 cơ quan báo in còn lại 127. Qua cuộc cải tổ này cũng vỡ ra khá nhiều tồn tại, hạn chế tại một số cơ quan báo chí những năm qua.

Sau cuộc “cách mạng” báo chí này, hoạt động thông tin, báo chí bớt đi sự chồng chéo, cồng kềnh không đáng có. Về số lượng là vậy, nhưng về chất lượng vẫn cần tiếp tục có sự sàng lọc, bồi dưỡng để nâng tầm cho đội ngũ, đáp ứng đòi hỏi của đời sống, yêu cầu vững vàng, lan tỏa của dòng thông tin chính thống, chủ đạo, trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.

Vì sao cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng? Đây vốn là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực sự làm nhân loại ngạc nhiên bởi những gì nó tạo ra, khi “mỗi sáng mai thức dậy”, điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả điều không tưởng cũng có thể trở thành sự thật. Trong môi trường truyền thông, báo chí, thật - giả lẫn lộn đang thách thức chúng ta - các nhà báo, những người có sứ mệnh đi tìm chân lý, làm rõ sự thật. Làm báo đa phương tiện, làm chủ công nghệ là những điều kiện, thách thức buộc đội ngũ người làm báo phải vượt qua…

Vì sao cần phải sàng lọc, thanh lọc? Sàng lọc đội ngũ để cho đội ngũ mạnh hơn, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho những ai đang có những dự tính sai trái phải tắt ngấm.

Với đội ngũ người làm báo đông đảo, vẫn có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”. Những thông tin kỷ luật tổng biên tập này, bắt nguyên phó tổng nọ, rồi trưởng ban thư ký, phóng viên thường trú kia… thỉnh thoảng lại hiện lên trên chính những tờ báo, giống như “tin buồn” của làng báo. Các nhà báo “ngã ngựa” cũng đủ kiểu: tống tiền để không đăng bài tiêu cực hoặc để gỡ bài tiêu cực, lừa chạy việc, dùng mạng xã hội để cãi vã, bôi xấu cá nhân… Mỗi lần có thông tin xấu như vậy đều được cơ quan quản lý nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung, đưa ra các hình thức kỷ luật… Tuy nhiên, tần suất xảy ra các vụ việc đáng xấu hổ dường như chưa thấy có sự giảm bớt.

Luật Báo chí cũng như quy định về đạo đức nhà báo đã rõ ràng. Nhà báo trước hết là một công dân, cần tuân thủ pháp luật, hơn thế nữa, nhà báo còn có nghĩa vụ bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân người làm báo, để nói, viết và hành động chuẩn mực hơn.

Sứ mệnh của nhà báo là gì? Là chung tay làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Là đưa thông tin tốt truyền cảm hứng cho người đọc mỗi sớm mai, như giọt sương trong vắt, như tia nắng buổi bình minh. Chứ không phải như lũ diều hâu rình xác chết. Khi có vụ việc đau lòng xảy ra, thì mặc kệ người thân họ đau xót, vẫn cứ “săn” để phỏng vấn, chụp hình, khai thác đời tư… để đưa lên mặt báo, giống như thêm một lần xát muối vào nỗi đau. Nhiều tin bài đặt tít giật gân, rất xa sự thật; tít thật “kêu” nhưng tin chẳng có gì, chỉ vì để câu view, câu like…

Một số nhà báo chỉ chăm chăm “săn” những thông tin trái chiều của các doanh nghiệp để “thực hiện chức năng phản biện”, như họ giải thích. Doanh nghiệp có chút sai sót, dù rất nhỏ cũng bị đăng lên báo, rồi xoáy sâu, mở rộng thông tin, thậm chí đi vào đời tư lãnh đạo doanh nghiệp hoặc mọi chuyện sai phạm trong quá khứ, trước hàng chục năm trời để liên hệ chuyện ngày nay. Nhiều doanh nghiệp khóc dở mếu dở, có khi “sập tiệm” chỉ vì một vài thông tin thiếu kiểm chứng, đưa lên báo một cách vô tình hay cố ý.

Tất nhiên, chống tiêu cực vẫn là một nhiệm vụ cao cả của báo chí, mà những năm qua và hiện nay báo chí đã làm rất tốt. Rất nhiều vụ việc được các nhà báo không quản hiểm nguy, theo dõi điều tra, phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui, đưa ra ánh sáng. Đặc biệt, nhiều sai phạm nghiêm trọng diễn ra từ lâu và phức tạp nhưng chỉ đến khi cơ quan báo chí vào cuộc mới phát hiện ra.

Nghề báo là “nghề nguy hiểm” - điều này cả thế giới đã công nhận. Không chỉ nguy hiểm vì đối diện với bom đạn trên chiến trường ác liệt để thực hiện chức năng của mình, mà còn nguy hiểm vì phải thực hiện những cuộc điều tra tại “mặt trận không tiếng súng”, với vô số thủ đoạn đe dọa, mua chuộc… Phải xác định rõ để không vượt qua ranh giới mong manh trong đấu tranh chống tiêu cực để không vì tư lợi cá nhân mà sa ngã; không vì nhận thức còn chủ quan, hạn hẹp mà có cách nhìn phiến diện; không quá say sưa để mà “nhìn đâu cũng thấy vi phạm, tiêu cực”… Chống tiêu cực là để làm sao cho xã hội tốt đẹp hơn, đấu tranh sao cho đúng, cho trúng, cho phù hợp, cũng như thầy thuốc “bốc thuốc” cho “con bệnh” không chỉ đúng thuốc mà còn phải đúng liều!

Trên hết, với sứ mệnh của mình, dù là một nhà báo theo dõi lĩnh vực nào đi nữa, thì những thông tin được chọn lọc để đưa lên mặt báo cũng phải phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân! Nhớ lời Bác Hồ - Nhà báo vĩ đại, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam đã từng yêu cầu nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người dạy, trước khi viết báo phải xác định rõ: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Bác nhấn mạnh: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”…

Khi viết bài báo này, tôi rất may mắn tìm đọc được bài báo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết ngày 21/6/2007, đăng trên Tuổi trẻ online với tiêu đề “Sứ mệnh của nhà báo”. Bài báo có đoạn viết: “Sự tín nhiệm của công chúng, của bạn đọc quyết định vị trí của các sản phẩm báo chí. Càng đi theo những tiêu chí đó, càng nói tiếng nói của nhân dân, trở thành công cụ của nhân dân, báo chí Việt Nam càng trở về, một cách gần gũi hơn, với bản chất của nền báo chí cách mạng: yêu nước, tiến bộ…

…Tôi nghĩ phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.

Những lời dặn dò tâm huyết từ các bậc tiền nhân trao gửi lại cho chúng ta, sau nhiều chục năm vẫn còn đó tính thiết thực, tính thời sự. Để hôm nay, đội ngũ người làm báo chúng ta nhìn lại, tự vấn bản thân mình, làm sao để luôn giữ “bút sắc”, “lòng trong” và bầu nhiệt huyết để tiếp tục vững bước làm tròn sứ mệnh của mình./.

Kim Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhu-giot-suong-trong-vat-nhu-tia-nang-buoi-binh-minh-130275.html