Như hoa mùa xuân
Ai đó từng ví người làm công việc gắn với truyền thống giống như những đóa hoa của mùa xuân. Bằng tâm huyết và nỗ lực, bằng trí tuệ và sự tận tâm, họ tô điểm cho di sản của ông cha luôn rực rỡ, lan tỏa giá trị đến mọi người.
Tác giả tuồng Lê Công Phượng: Thêm ấp ủ các dự định về tuồng
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, tiếng trống chầu hát tuồng lại rạo rực trong tôi, thôi thúc tôi nhớ nhiều hơn đến tuồng, thêm ấp ủ các dự định về tuồng. Nhớ lại năm qua, tôi rất vui khi hoàn thành 2 kịch bản tuồng lịch sử là “Ngàn năm vang vọng” và “Anh hùng xuất thiếu niên”. Với vở “Ngàn năm vang vọng”, tôi khai thác nhân vật Dương Đình Nghệ với niềm tự hào về một anh hùng yêu nước, luôn khát khao cháy bỏng cho nền độc lập tự chủ của dân tộc. Trong khi đó, “Anh hùng xuất thiếu niên” viết về thiếu niên anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, một con người tiêu biểu cho dân tộc ta thời ấy với khí chất anh hùng từ nhỏ. Qua đó mong muốn khắc sâu hơn cho khán giả thanh thiếu niên ngày nay một tấm gương với những phẩm chất cao quý; khơi gợi ý thức, tinh thần trách nhiệm của họ với cuộc sống bản thân, hướng tới lý tưởng cao đẹp, cống hiến sức mình góp phần xây dựng và bảo vệ non sông đất nước. Cũng trong năm qua, vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” và “Phượng hoàng Trung đô” tôi sáng tạo đã được Đoàn Thể nghiệm - Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa dàn dựng.
Dự định trong năm 2023, tôi sẽ tiếp tục viết kịch bản về đề tài lịch sử để truyền tải sử Việt anh hùng đến khán giả qua lăng kính nghệ thuật; để khán giả hôm nay thêm yêu lịch sử anh hùng của dân tộc, yêu phong tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Yêu nghệ thuật tuồng, đam mê với sân khấu tuồng, nhân dịp Xuân mới, tôi mong những chủ trương, định hướng của Đảng và nhà nước đã nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được triển khai thực hiện một cách khoa học, đúng mức và triệt để hơn nữa, để cho di sản văn hóa truyền thống như tuồng có thêm nhiều điều kiện hoạt động, tiếp cận, phổ biến đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, học sinh, sinh viên, du khách quốc tế...
Muốn vậy, theo tôi, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác tổ chức hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là đưa sân khấu tuồng vào nhà trường, cũng như các chương trình phục vụ du lịch, các hoạt động giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông... Từ đó những giá trị văn hóa truyền thống vốn là bản sắc của dân tộc Việt Nam được lưu giữ ở nghệ thuật tuồng có điều kiện để phát huy, hòa nhịp chung vào việc phát triển con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh: Để hát xẩm mãi lan tỏa, lưu truyền
Chiếu xẩm ngày xuân đang đưa di sản của ông cha đến với công chúng yêu nghệ thuật hát xẩm. Những ngày này, tôi cũng đi khắp nơi, như suốt một năm qua và cả thời gian trước đó đã rong ruổi từ miền Nam trở ra ngoài Bắc, truyền dạy và biểu diễn lan tỏa xẩm. Cứ nơi nào có xẩm là có mặt mình.
Nhìn lại thành quả, tôi đã hướng dẫn mọi người sinh hoạt về chuyên môn và thành lập câu lạc bộ. Điều vui mừng nhất là đã gây dựng một số chiếu xẩm dành cho người mù, đưa hát xẩm về đúng đối tượng của nó. Ngày trước hát xẩm là nghề đàn hát của người khiếm thị, nhưng giai đoạn tôi biết đến hát xẩm thì không còn ai là người khiếm thị hát nữa, có còn cũng chỉ một vài người không có khả năng ảnh hưởng, lan tỏa nghệ thuật này. Đến giờ, câu lạc bộ hát xẩm của người khiếm thị đã hoạt động vững mạnh. Nhiều địa phương như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thành phố Hải Phòng… hát xẩm đã thực sự được lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân.
Xẩm phát triển về lượng như vậy nhưng điều khiến tôi trăn trở là việc giữ gìn vốn cổ của xẩm. Phàm cái gì phát triển nhanh, gấp quá thì về chất chưa được như ý. Bây giờ 10 người hát xẩm thì tới 8 người không hiểu về xẩm. Mong muốn không của riêng tôi mà của tất cả những ai tâm huyết với nghệ thuật này là tới đây, Nhà nước, cơ quan chức năng các cấp, các địa phương có những dự án, kế hoạch để bảo tồn xẩm mang tính chất nguyên bản. Muốn vậy, phải có các khóa tập huấn về chuyên môn, đi sâu vào những kiến thức cơ bản về lề lối, làn điệu, lối cách của xẩm, để xẩm đến với công chúng với đầy đủ cái hay, cái đẹp của xẩm. Đồng thời, cần củng cố, phát triển, hỗ trợ các câu lạc bộ, hội nhóm hát xẩm để duy trì hoạt động thường xuyên và có chất lượng.
Cá nhân tôi có lẽ vẫn tiếp tục con đường của mình, nỗ lực cùng với các nghệ nhân hát xẩm gìn giữ, trao truyền vốn quý báu mà ông cha để lại.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Thị Thanh Lê: Chạm được vào truyền thống sẽ tạo ra nhiều cái mới mẻ, thú vị
Gần đây, có xu hướng tìm về văn hóa truyền thống, tạo làn sóng khai thác giá trị xưa để tạo ra sản phẩm đương đại. Hoạt động này được thực hiện bởi các nghệ sĩ được đào tạo bài bản về mỹ thuật, hoặc người làm nghiên cứu, thiết kế… Họ tìm thấy trong mỹ thuật truyền thống nguồn tài nguyên rất tốt để có thể sáng tạo ra những chất liệu, sản phẩm mới phục vụ đời sống đương đại nhưng vẫn đậm nét truyền thống.
Đây là một cách huy động và khai thác giá trị văn hóa truyền thống trong công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khá phổ biến trên thế giới. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho đến nhiều nước châu Âu đều làm cách này, tạo ra những sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm. Càng ở các sự kiện như dịp năm mới, nhiều người lại càng tìm về với truyền thống.
Ở Việt Nam, bên cạnh tiếp tục duy trì nghề truyền thống, chẳng hạn như các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, nghệ nhân vẫn sáng tạo theo cách của họ, nhưng hiện nay nghệ sĩ đương đại, nhà thiết kế… vào cuộc, đóng góp thêm các sản phẩm văn hóa mới.
Người trẻ đã thấy văn hóa truyền thống không chỉ là thứ để họ học hỏi, bảo tồn, mà là một nguồn tài nguyên độc đáo, giá trị. Nếu họ chạm được vào truyền thống, sẽ tạo ra cái gì đó mới mẻ, thú vị, và bán được, thậm chí bán rất đắt. Xu hướng này hứa hẹn vừa góp phần bảo tồn, giúp mọi người biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống, vừa có thêm các sản phẩm mới hữu ích thu hút công chúng hiện nay…
Ở tầm vĩ mô, hiện nay việc phát triển kinh tế không quá tách rời phát triển văn hóa và bảo tồn giá trị truyền thống. Việt Nam đang xem văn hóa như nguồn động lực phát triển kinh tế - xã hội, có các chính sách cổ vũ bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng thuận lợi phát triển nền tảng kinh tế liên quan đến văn hóa.
Tôi tin vào khả năng khai thác văn hóa và sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần củng cố năng lực thiết kế, để hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa, chuyển hóa từ văn hóa vào lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, muốn xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, cùng với việc bắt kịp từ thiết kế, công nghệ, truyền thông, cần có nét đặc sắc riêng của Việt Nam, không thể xuất khẩu dựa trên sự bắt chước mà cần có sự khác biệt về văn hóa và sáng tạo trên các lĩnh vực.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nhu-hoa-mua-xuan-i314800/