Như Thanh khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển rừng trồng gỗ lớn

Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường,... cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng và người dân huyện Như Thanh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp. Kết quả, diện tích trồng rừng hàng năm tăng lên. Đến tháng 10-2019, huyện Như Thanh có 36.577,33 ha rừng, trong đó có 24.599,76 ha rừng trồng, diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Hàng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ (Như Thanh).

Huyện Như Thanh đề ra mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng và giá trị rừng trên một đơn vị diện tích, tạo đột phá trong phát triển lâm nghiệp cả về năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình; thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn nói chung và lâm nghiệp nói riêng. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2021 trồng mới rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh với tổng diện tích 3.000 ha.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị, người dân thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, huyện Như Thanh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn; khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh giai đoạn 2017-2021. Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước tuyên truyền, hướng dẫn các các chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn. Kết quả, từ năm 2016 đến đầu tháng 11-2019, các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước trên địa bàn huyện đã trồng mới được 1.170,2 ha rừng gỗ lớn; chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 746,6 ha; khoanh nuôi, phục tráng 70,9 ha rừng lim xanh.

Để thực hiện mục tiêu nâng giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo cơ bản gỗ rừng trồng được chế biến sâu, góp phần tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm từ rừng, huyện Như Thanh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, giải quyết khó khăn cho nhân dân trồng rừng và bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nghĩa vụ, quyền lợi của chủ rừng và lợi ích từ rừng mang lại, qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng của mỗi người dân. Tập trung huy động các nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn. Đẩy mạnh hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huy động các nguồn lực lồng ghép để tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn... Điển hình như từ tháng 10-2015, Công ty TNHH nội thất AP đã đầu tư xây dựng Xí nghiệp chế biến gỗ AP tại xã Thanh Kỳ (Như Thanh). Bình quân 1 tháng xí nghiệp thu mua từ 800 đến 1.000 tấn gỗ nguyên liệu, chủ yếu là keo. Sản phẩm “đầu ra” là gỗ Pallet cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cùng với thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững, Công ty TNHH nội thất AP đang triển khai kế hoạch đầu tư tại xã Thanh Kỳ một nhà máy sản xuất gỗ mới phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, công ty đã và đang làm việc với các chủ rừng trên địa bàn để liên kết đầu tư từ khâu áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng theo hướng thâm canh; chọn cây giống cho năng suất cao, chất lượng gỗ tốt; khai thác đúng quy trình kỹ thuật... thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, để sớm được Tổ chức Quản lý rừng bền vững quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Sau khi được cấp chứng chỉ giá trị gỗ sẽ được nâng lên, có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế.

Bài và ảnh: Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhu-thanh-khai-thac-tiem-nang-loi-the-phat-trien-rung-trong-go-lon/110113.htm