Như vẫn có Bác nơi này
Hàng năm, mỗi dịp mùa sen nở, ngôi Trường Dục Thanh nằm bên dòng Cà Ty, TP. Phan Thiết lại tấp nập đón các đoàn khách viếng thăm. Không chỉ được mọi người biết đến là nơi Bác Hồ dừng chân trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, mà đây còn là địa chỉ để giáo dục thế hệ trẻ về những đức tính cao đẹp của Người.
Như vẫn có Bác nơi này
Nơi ghi dấu chân Người
Trường Dục Thanh là nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Ngôi trường được xây dựng năm 1907, trong phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh nhằm mở mang dân trí. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận thời bấy giờ, do cụ Nguyễn Quý Anh và cụ Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Trường dạy chữ Quốc ngữ, bên cạnh đó còn dạy thêm chữ Hán, chữ Pháp. Cả trường có khoảng 50 - 60 học sinh. Tháng 9/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây, khi mới 20 tuổi.
Tại trường, thầy Thành dạy môn thể dục là chính và trợ giảng thay các thầy khác 3 môn chữ Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn. Thầy có phương pháp giảng dạy rất tiến bộ, truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Tháng 2/1911, người thanh niên ấy rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy Thành dạy học. Những hiện vật gốc được lưu giữ, di tích trong quần thể khu di tích đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về thời gian Người dạy học tại đây.
Học tập và làm theo lời Bác
Ðến với Khu di tích Dục Thanh và Nhà trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, hầu như tất cả đều giống nhau ở tâm trạng bồi hồi và nỗi niềm khôn nguôi nhớ Bác. Ðặc biệt được tận mắt nhìn thấy những hiện vật và nghe giới thiệu về quãng thời gian hoạt động của Bác, ai cũng xúc động, như vẫn đang được nghe thầy giáo Nguyễn Tất Thành truyền đạt các bài giảng về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, về trách nhiệm đối với non sông.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga – Trưởng Phòng Tuyên truyền Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận cho biết: Khu di tích Dục Thanh không chỉ là nơi dành cho khách tham quan mà còn là một địa chỉ quen thuộc của các hoạt động giáo dục về truyền thống cho thế hệ trẻ, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ báo công, lễ kết nạp Ðảng, kết nạp Ðoàn, kết nạp Ðội, tuyên dương khen thưởng; hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghiên cứu... Cùng với đó, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm ảnh, hiện vật về quá trình hoạt động của Người. Những hoạt động được tổ chức tại đây đều rất ý nghĩa.
Dù ở lại dạy học trong thời gian ngắn nhưng Bác đã để lại tấm gương sáng của một người thầy giáo cho tất cả con cháu, giáo dục các thế hệ sau này noi theo. Đó là đức tính thương yêu, gần gũi với học sinh; chịu khó tìm tòi, học hỏi, đọc sách báo; luôn hòa đồng với cuộc sống của nhân dân lao động nghèo Phan Thiết. Thầy Đoàn Khắc Vương – Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận chia sẻ: “Trường Dục Thanh luôn là địa chỉ mà Đoàn trường lựa chọn để tổ chức lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đứng trước tượng đài Bác, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấy tự hào vì được sống trong môi trường hòa bình và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, phải ra sức tu dưỡng đạo đức, học tập, lao động góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.
Lật giở từng trang sổ ghi cảm tưởng của khách tham quan tại bảo tàng, chúng tôi đã bắt gặp những dòng cảm xúc về Bác Hồ thật thiêng liêng. Những dòng cảm tưởng giúp ta hiểu hơn lòng biết ơn sâu nặng của nhân dân ta dành cho Bác. Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Phan Thiết viết: “Chúng con tự hào vì có Bác và nguyện phát huy tốt truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, sống xứng đáng và làm theo lời Bác dạy”.
Bà Vũ Thị Chi, một người dân khi đến tham quan tại đây cũng không ngăn được dòng cảm xúc: Về đây mỗi người càng hiểu hơn trọng trách của mình đối với non sông, đất nước, càng nỗ lực hơn vì nền độc lập, tự do của dân tộc. “Con cảm ơn tất cả hành trình mà Bác đã trải qua để đưa dân tộc Việt Nam tới bến bờ tươi sáng. Con thấm nhuần được tư tưởng của Bác và nguyện làm theo những lời Bác dạy bảo”.
Người đã đi xa, nhưng ngôi Trường Dục Thanh mãi mãi là niềm tự hào của người dân thành phố biển Phan Thiết nói riêng và của cả nước nói chung. Để mọi người dân lại được sưởi ấm bằng tình cảm bao la của Bác, để đồng lòng quyết tâm thực hiện lời dạy cũng như mong muốn của Người, đưa đất nước, non sông Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai các cường quốc năm châu.
Thùy Linh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/nhu-van-co-bac-noi-nay-138046.html