Nhựa Đông Á hoạt động ra sao trước khi cổ phiếu DAG bị đình chỉ giao dịch?
Từ ngày 15/8, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á bị đình chỉ giao dịch vì tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á bị đình chỉ giao dịch từ 15/8
Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa thông báo đưa cổ phiếu DAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á vào diện đình chỉ giao dịch từ 15/8.
Bên cạnh đó, cổ phiếu DAG cũng nằm trong diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 và lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 là 588 tỉ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, cổ phiếu DAG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với quy định. Sau đó, DAG chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Ngày 1/7, cổ phiếu DAG tiếp tục bị cảnh báo vì công ty chưa họp đại hội cổ đông thường niên 2024 (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2023). Đến ngày 2/8, HoSE đã có công văn nhắc nhở công ty chậm công bố thông tin sự kiện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết phiên cuối tuần vừa qua, cổ phiếu DAG hiện ở mức 1.670 đồng, giảm gần một nửa so với vùng giá hồi đầu năm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần đây hơn 142.000 đơn vị. Với 60,3 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HoSE, vốn hóa thị trường chỉ xấp xỉ 101 tỉ đồng.
Trong văn bản giải trình gửi đến HoSE, Nhựa Đông Á cho biết đang làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Tư vấn UHY để hoàn tất các số liệu kế toán cần thiết của báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn và cần đảm bảo tính chính xác cao, công ty cần thêm thời gian để thống nhất số liệu với đơn vị kiểm toán.
Ngoài ra, Nhựa Đông Á cho biết cũng cần thêm thời gian để kiện toàn nhân sự, tìm kiếm ứng viên thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp đáp ứng tình hình quản trị của công ty. Đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á
Quý 2/2024, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần đạt 55,3 tỉ đồng, chỉ bằng xấp xỉ 14% của 400 tỉ đồng đạt được ở cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giai đoạn này âm 10,7 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế 66,6 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ gần 103 tỉ đồng ở cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế nửa năm, Nhựa Đông Á lỗ sau thuế khoảng 607 tỉ đồng, gấp gần 5 lần so với mức lỗ 124 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước.
Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 642,2 tỉ đồng, giảm 47% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 9,5 tỉ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Nhựa Đông Á đã vượt 89% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Ban lãnh đạo cho biết công ty sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi, ngành hàng mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao. Ngoài ra, công ty sẽ tìm các đối tác có năng lực tốt để đầu tư, hợp tác vận hành, khai thác sản xuất và mở rộng thị trường.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Nhựa Đông Á đạt gần 1.395 tỉ đồng, giảm nhẹ so với 1.442 tỉ đồng ở đầu kỳ. Công ty đang ghi nhận hơn 1.367 tỉ đồng nợ phải trả, trong đó 954 tỉ đồng nằm ở mục nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 27,2 tỉ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối là 641 tỉ đồng.
Nghĩa vụ báo cáo của tổ chức niêm yết được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 50 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-HDTV năm 2022 quy định nghĩa vụ báo cáo của tổ chức niêm yết như sau:
Tổ chức niêm yết cổ phiếu thực hiện báo cáo như sau:
- Tổ chức niêm yết báo cáo Báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán về Bảng cung cấp thông tin về quản trị công ty và dữ liệu điện tử. Thời hạn gửi: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm và kết thúc năm dương lịch.
- Tổ chức niêm yết báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán về Danh sách cổ đông nhà nước, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ phiếu quỹ công ty và dữ liệu điện tử, cụ thể như sau:
+ Báo cáo Quý 1 năm dương lịch: căn cứ trên danh sách cổ đông được chốt đến thời điểm gần nhất trước ngày 28 của tháng 02 và gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán chậm nhất là ngày 10 của tháng 03.
+ Báo cáo Quý 2 năm dương lịch: căn cứ trên danh sách cổ đông được chốt đến thời điểm gần nhất trước ngày 31 của tháng 05 và gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán chậm nhất là ngày 10 của tháng 06.
+ Báo cáo Quý 3 năm dương lịch: căn cứ trên danh sách cổ đông được chốt đến thời điểm gần nhất trước ngày 31 của tháng 08 và gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán chậm nhất là ngày 10 của tháng 09.
+ Báo cáo Quý 4 năm dương lịch: căn cứ trên danh sách cổ đông được chốt đến thời điểm gần nhất trước ngày 30 của tháng 11 và gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán chậm nhất là ngày 10 của tháng 12.
- Tổ chức niêm yết gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán tóm tắt sổ cổ đông tại ngày đăng ký cuối cùng và dữ liệu điện tử danh sách cổ đông tại ngày đăng ký cuối cùng theo quy định của VSDC trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký cuối cùng.
2. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán tóm tắt danh sách nhà đầu tư tại ngày đăng ký cuối cùng và dữ liệu điện tử danh sách nhà đầu tư của quỹ tại ngày đăng ký cuối cùng theo mẫu quy định của VSDC trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký cuối cùng.
Chứng khoán bị đình chỉ giao dịch trong trường hợp nào?
Tại khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-HĐTV năm 2022, chứng khoán bị đình chỉ giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 06 tháng so với thời hạn quy định.
- Tổ chức niêm yết không đưa ra biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán.
- Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
- Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
- Sở Giao dịch Chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán đồng thời báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.