Nhựa đường, bê tông và căng thẳng nhiệt tại các thành phố lớn
Theo David Wallace-Wells, các yếu tố như nhựa đường, bê tông và mật độ dân số khiến nhiệt độ tại các đô thị tăng lên, kéo theo nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần.
Các thành phố, những nơi trong tương lai sẽ ngập tràn người sinh sống, chỉ khiến các vấn đề về nhiệt độ cao phình to thêm. Nhựa đường, bê tông, và những yếu tố khác, kể cả xác thịt con người, khiến thành phố trở nên đông đúc, hấp thụ nhiệt năng từ môi trường xung quanh, rồi về cơ bản trữ lại một thời gian như viên thuốc độc chậm tan; điều này đặc biệt có vấn đề, bởi vì trong một đợt nắng nóng, sự gián đoạn vào ban đêm là yếu tố sống còn, cho phép cơ thể phục hồi.
Khi quãng thời gian gián đoạn này ngắn ngủi và hời hợt hơn, cơ thể đơn giản là tiếp tục bị sôi lên. Trên thực tế, bê tông và nhựa đường tại các thành phố hấp thụ rất nhiều nhiệt vào ban ngày, đến mức khi được giải phóng vào ban đêm, nó có thể làm tăng nhiệt độ cục bộ lên tới 22 độ Fahrenheit, biến những ngày nóng bức vốn vẫn chịu đựng được trở thành những ngày nóng chết người - như trong đợt nắng nóng ở Chicago năm 1995, giết chết 739 người, những tác động từ nắng nóng trực tiếp được củng cố với việc cơ sở hạ tầng y tế công cộng bị hủy hoại.
Con số được trích dẫn thường chỉ phản ánh những cái chết ngay tức thì; trong số hàng nghìn người phải đến bệnh viện trong đợt nắng nóng này, gần một nửa đã chết vào năm đó. Những người còn lại hầu hết đều bị tổn thương não vĩnh viễn. Các nhà khoa học gọi đây là hiệu ứng “đảo nhiệt” (heat island) - mỗi thành phố có không gian khép kín, và càng đông đúc thì càng nóng hơn.
Tất nhiên, thế giới đang đô thị hóa nhanh chóng, với ước tính của Liên Hợp Quốc rằng hai phần ba dân số toàn cầu sẽ cư trú tại các thành phố vào năm 2050 - 2,5 tỷ cư dân đô thị mới, theo ước tính đó. Trong hơn một thế kỷ nữa, với phần lớn thế giới, các thành phố dường như chính là tầm nhìn về tương lai, nơi tiếp tục tạo ra các quy mô đô thị mới: hơn 5 triệu, hơn 10 triệu, hơn 20 triệu người.
Biến đổi khí hậu sẽ không làm chậm mô hình đó nhiều, nhưng sẽ khiến những cuộc di cư lớn mà nó tạo ra trở nên nguy hiểm hơn, với hàng triệu người đầy tham vọng tràn vào các thành phố có thời gian biểu rải rác những ngày nắng nóng chết người, khát khao tụ họp ở những siêu đô thị mới giống như bướm đêm lao vào lửa.
Về mặt lý thuyết, biến đổi khí hậu thậm chí có thể đảo ngược những cuộc di cư đó, có lẽ còn toàn vẹn hơn điều mà các tội ác đã gây ra tại nhiều thành phố trên nước Mỹ thế kỷ trước, nó khiến cư dân đô thị ở một số nơi trên thế giới phải chuyển ra ngoại ô vì cuộc sống trong nội đô trở nên không thể chịu đựng nổi. Trong thời tiết nóng nực, đường sá tại các thành phố sẽ bị nóng chảy và đường ray xe lửa sẽ bị cong oằn - điều này thực sự đang diễn ra, nhưng các tác động sẽ mọc lên như nấm trong những thập kỷ tới.
Hiện tại, có 354 thành phố lớn có mức nhiệt tối đa vào mùa hè trung bình từ 95 độ Fahrenheit trở lên. Đến năm 2050, danh sách này có thể tăng lên thành 970, và số người sinh sống tại các thành phố đó, những người phải phơi mình dưới nắng nóng chết người có thể tăng gấp tám, lên tới 1,6 tỷ. Chỉ riêng tại Mỹ, từ năm 1992, có khoảng 70.000 công nhân bị tổn thương nghiêm trọng do nắng nóng, và đến năm 2050, dự kiến trên toàn cầu có khoảng 255.000 người sẽ chết do tác động từ nắng nóng trực tiếp.
Hiện nay, khoảng 1 tỷ người có nguy cơ bị căng thẳng nhiệt trên toàn thế giới, và một phần ba dân số thế giới phải chịu đựng nắng nóng chết người ít nhất hai mươi ngày mỗi năm; đến năm 2100, con số này sẽ tăng thành một nửa, ngay cả khi chúng ta cố gắng kéo xuống dưới mức hai độ. Nếu không làm được, nó có thể tăng thành ba phần tư.
Tại Mỹ, hiện tượng say nắng có tiếng xấu thê thảm - một tai họa mà bạn sẽ học được từ trại hè, giống như bị chuột rút khi đang bơi. Nhưng chết vì nhiệt là một trong những hình phạt tàn khốc nhất đối với cơ thể con người, đau đớn và mất phương hướng giống như chứng hạ thân nhiệt.
Đầu tiên là “kiệt sức vì nóng”, chủ yếu là những dấu hiệu của tình trạng mất nước: đổ nhiều mồ hôi, buồn nôn, đau đầu. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, nước sẽ không còn giúp ích được nữa, thân nhiệt tăng lên khi cơ thể đưa máu đến da, liều mạng với hy vọng làm mát nó. Da thường ửng đỏ; các cơ quan nội tạng bắt đầu hỏng hóc.
Sau cùng, bạn có thể ngừng đổ mồ hôi. Não bộ cũng ngừng hoạt động bình thường, và đôi khi, sau một thời gian kích động và chống chọi, quá trình này chấm dứt với một cơn trụy tim gây tử vong. Langewiesche đã viết rằng, “Khi nhiệt độ tăng đến mức cực đoan, để thoát khỏi tình trạng này, bạn không thể làm gì hơn ngoài việc tự lột da”.