Nhựa Tiền Phong kỳ vọng tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020
Do nhiều yếu tố khách quan, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) chưa được như kỳ vọng. Song, nửa cuối năm đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực.
Nửa đầu năm chưa đạt kỳ vọng vì Covid-19
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020 đã được kiểm toán bởi KPMG của Nhựa Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP), doanh thu bán hàng thuần của Công ty trong 6 tháng đầu năm đạt 2.155 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ 2019.
“Tác động của đại dịch Covid-19 với những diễn biến bất thường trong nước, khiến cho nhiều khách hàng lớn của Nhựa Tiền Phong phải điều chỉnh tiến độ hoạt động đầu tư, kinh doanh, xây dựng”, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc của Nhựa Tiền Phong đã lý giải về nguyên nhân doanh thu 6 tháng sụt giảm.
Điểm tích cực là nhờ giá nhựa nguyên liệu đầu vào giảm nên giá vốn hàng bán của Công ty đã giảm 14,9% trong kỳ. Song, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 136,6% (dù chi phí bán hàng giảm đến 33,3%), lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong trong nửa đầu năm chỉ đạt hơn 697 tỷ đồng, giảm 10%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Nhựa Tiền Phong trong 6 tháng đạt 237,7 tỷ đồng, giảm 5,3% (tương đương 13,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019.
Nhựa Tiền Phong sẽ điều chỉnh kế hoạch doanh thu, sản lượng năm 2020 theo hướng giảm 3% hoặc đi ngang so với năm 2019_ kế hoạch lợi nhuận trước thuế không thay đổi
Theo ông Phương, yếu tố khiến lợi nhuận giảm là do Công ty có khoản trích lập dự phòng phải thu là hơn 80 tỷ đồng. Đây là biện pháp bắt buộc theo nguyên tắc tài chính kế toán để bảo toàn nguồn vốn và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Khoản dự phòng này là “của để dành”, khi việc thu hồi nợ thành công, doanh nghiệp sẽ được hồi tố việc trích lập, từ đó gia tăng mạnh lợi nhuận.
Lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho biết, Công ty đang cùng với các trung tâm phân phối theo dõi sát sao các khoản nợ khó đòi và cùng lên kế hoạch thu hồi với lộ trình cụ thể. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải đang là đơn vị phân phối có khoản nợ phải thu hồi tính đến cuối quý II/2020 lớn nhất. Tuy nhiên, đây là trung tâm phân phối có nhiều khách hàng là các dự án lớn, nên tiến độ thanh toán không thể nhanh như các khách hàng bán lẻ.
Minh Hải là đơn vị có thành viên quản lý chủ chốt là cá nhân liên quan đến Nhựa Tiền Phong, cụ thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản trị, sau khi ông Đặng Quốc Dũng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị từ tháng 4/2019, Nhựa Tiền Phong và Minh Hải đã thống nhất chấm dứt hợp đồng phân phối từ ngày 1/1/2020. Kể từ ngày thời điểm này, Minh Hải đã không phát sinh thêm nợ mới.
“Hiện tất cả công nợ của khách hàng, không riêng gì Minh Hải, đều được Nhựa Tiền Phong kiểm soát. Trong đó, công nợ của Minh Hải ghi nhận vào 31/12/2019 là 482,84 tỷ đồng, đến 30/6/2020 giảm còn 334,48 tỷ đồng, và đến 21/8/2020 về còn 268,47 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2020, Công ty sẽ thu hồi thêm 75 tỷ đồng nữa từ khách hàng này. Số nợ còn lại là 193,47 tỷ đồng sẽ đảm bảo được thu hồi trong quý I/2021”, ông Phương thông tin.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối quý II/2020, nợ phải trả của Nhựa Tiền Phong đang ở mức 1.865 tỷ đồng, chiếm 42,2% cơ cấu nguồn vốn. Tổng nợ phải trả của Công ty tiếp tục giảm so với đầu năm. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn giảm 81 tỷ đồng, khoản vay dài hạn giảm 38,1 tỷ đồng.
Theo ông Phương, “điều này góp phần đảm bảo an toàn tài chính của Nhựa Tiền Phong, bởi Công ty đã chuyển sang tài trợ chủ yếu bằng vốn tự có, thay vì dùng vốn vay như trước kia”. Vốn chủ sở hữu của Nhựa Tiền Phong tính đến 30/6/2020 là 2.544,9 tỷ đồng, chiếm đến 57,7% tổng nguồn vốn.
Triển vọng tăng trưởng tích cực nửa cuối năm
Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đến thời điểm này đã bắt đầu được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội đang dần ổn định trở lại. Các giải pháp kích thích kinh tế được Chính phủ đặt ra, trong đó, trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trong đó có Nhựa Tiền Phong.
Trong diễn biến khác, Việt Nam đang có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Trong đó, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản của nước ta. Đây chính là cơ hội lớn cho Nhựa Tiền Phong với mảng sản phẩm nhựa phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy hải sản.
Ông Phương cho biết, cuối năm 2018, Nhựa Tiền Phong đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để cung cấp ống nhựa dẫn nước biển phục vụ nuôi tôm theo mô hình mới. Đến hết năm 2019, Nhựa Tiền Phong mới chỉ đang đáp ứng được 2,5% trong tổng số nhu cầu để phục vụ cho toàn bộ các dự án chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu của tập đoàn này.
Nhựa Tiền Phong cung cấp hàng chục km đường ống nhựa HDPE có đường kính từ 1-1,2m phục vụ dự án nuối tôm công nghệ cao của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Vũng Tàu trong năm 2020.
Chỉ tính riêng việc hợp tác này, Nhựa Tiền Phong đang còn dư địa rất lớn. Đó là còn chưa tính, mô hình nuôi trồng tôm này sẽ lan tỏa từ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sang đến các hộ nuôi trồng cá thể, các công ty thủy sản khác. Hiện ngoài Minh Phú, còn có một số công ty thủy sản khác đã và đang hợp tác với Nhựa Tiền Phong như Công ty Thủy sản Nam Việt, Công ty Thủy sản Việt Úc, Đông Tâm, NG…
Được biết, với việc cung cấp ống cho dự án nuôi tôm bè nổi công nghệ cao tại Vũng Tàu trong năm 2020 của Minh Phú, Nhựa Tiền Phong đã ghi nhận doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, để phục vụ việc dẫn nước từ biển vào ao nuôi, ống sục khí cũng như làm ao nổi, Minh Phú đã sử dụng hàng chục km đường ống Nhựa Tiền Phong với đường kính lớn từ 1-1,2m.
Trong tương lai, sau dự án tại Vũng Tàu, Minh Phú sẽ tiếp tục triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao bằng ao nổi quy mô rộng 10.000 ha tại Kiên Giang, lớn gấp 30 lần so với dự án tại Vũng Tàu. Minh Phú sẽ tiếp tục sử dụng ống cỡ lớn của Nhựa Tiền Phong cho dự án tiếp theo này. Không những thế, Minh Phú còn hợp tác với Nhựa Tiền Phong trong việc sản xuất ra các sản phẩm nhựa khác như khay nhựa cho nhà máy chế biến thủy sản để phục vụ cho chuỗi sản xuất tôm.
Thi công nhấn chìm đường ống HDPE của Nhựa Tiền Phong
có đường kính 1,2m và dài 2,2km từ biển vào đất liền để dẫn nước mặn phục vụ dự án nuối tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Vũng Tàu.
Trong những tháng cuối năm, nhiều đối tác, khách hàng của Nhựa Tiền Phong cũng đã có kế hoạch triển khai tiếp tục các dự án xây dựng, khi đó, lượng hàng tồn kho sẽ được giải phóng và tăng doanh thu cũng như lợi nhuận của Công ty.
Ông Phương cho biết thêm, trong quý III/2020, dự kiến doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong, sẽ đạt 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty có doanh thu đạt 3.355 tỷ đồng, tương đương 65,78% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 387,7 tỷ đồng, tương đương 82,48% kế hoạch năm.
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất thường vào cuối quý II và đầu quý III đã tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các đối tác, khách hàng lớn của Nhựa Tiền Phong. Chính vì vậy, Ban điều hành sẽ đề xuất tới Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu và sản lượng của năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế trên thị trường. Lợi nhuận trước thuế vẫn đảm bảo 470 tỷ đồng đúng như kế hoạch 2020 đã đề ra, mặc dù vẫn trích lập dự phòng theo quy định”, ông Phương cho biết.