Nhức đầu, hoa mắt giữa 'rừng luật'

Bài 'Pháp điển hóa để dọn dẹp 'rừng luật'' (Pháp Luật TP.HCM ngày 4-9) được nhiều người đồng thuận.

Với việc có quá nhiều văn bản pháp luật như lâu nay, nhiều đối tượng đã dở khóc dở mếu khi cần tìm văn bản để phục vụ công việc.

Vừa tư vấn vừa… run

Tôi có tham gia tư vấn pháp luật cho vài tờ báo. Dù các câu hỏi không mấy phức tạp nhưng lần nào làm xong tôi cũng lo. Đồng ý là tìm văn bản theo lĩnh vực nhưng văn bản đó còn hiệu lực hay đã hết, nếu hết thì văn bản nào thay thế, ngoài văn bản của cấp trên thì còn có văn bản hướng dẫn nào của cấp dưới không. Nói chung là có đủ thứ phải xem xét vì chỉ sơ ý một chút là… trật như chơi!

Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, chủ tịch UBND cấp xã được phạt tiền đến 500.000 đồng. Nhưng theo pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008 thì số tiền đó được nâng thành 2 triệu đồng. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự một số tội (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản…) là 500.000 đồng. Nhưng khi bộ luật này được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 thì mức định lượng trên lên đến 2 triệu đồng v.v… Không biết ai sao chứ đối với tôi, các chi tiết thay đổi này không phải dễ xác định. Do việc sửa đổi, bổ sung được ban hành thành văn bản riêng nên khi muốn cập nhật buộc phải mang hai văn bản ra so sánh, đối chiếu. Rất mất công, lại khó đảm bảo đầy đủ, chính xác.

Trước mắt, khi chưa pháp điển hóa thì những người làm công tác pháp luật như tôi cứ phải nỗ lực dò tìm, rà soát trong “rừng luật” chứ biết sao bây giờ!

tuyetthitran…@yahoo.com

Mấy lần điếng hồn

Phụ trách công tác nhân sự của một công ty lớn nên tôi phải thường xuyên cập nhật văn bản ở nhiều lĩnh vực và có cả trăm lần phải “nhức đầu”, “hoa mắt”, thậm chí muốn… “chết tại chỗ”. Vì sao ư? Vì nhà nước mình ban hành quá nhiều văn bản, chính thức có, sửa đổi, bổ sung có, dưới luật thì còn có đủ thứ chỉ thị, công văn. Chỉ lo là khi có chuyện phát sinh thì người thừa hành lãnh đủ.

Chương trình cung cấp văn bản miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM luôn là nơi được nhiều đối tượng tìm đến. Ảnh minh họa: HTD

Lấy quy định về thuế thu nhập cá nhân làm dẫn chứng. Là loại thuế đánh vào số đông nhưng tại thời điểm này có đến mấy chục văn bản liên quan, không phải dễ nhớ và cũng không phải dễ tìm. Như đối với khoản tiền công, tiền thù lao cho cá nhân thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng lao động có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên, pháp luật yêu cầu các tổ chức phải khấu trừ thuế trước khi chi trả. Theo Thông tư 84/2008 của Bộ Tài chính thì mức khấu trừ là 10% (nếu có mã số thuế), 20% (nếu không có mã số thuế). Nhưng sau đó Thông tư 62/2009 của bộ trên đã thống nhất mức khấu trừ là 10% (không phân biệt có hay không có mã số thuế). Nếu không biết hoặc đọc không kỹ các quy định dày cui của Thông tư 62 thì có thể khấu trừ sai.

Mong rằng tới đây các quy định về thuế này được sắp xếp theo chủ đề để những người như tôi đỡ cực.

HẰNG NGA (hangnga222@...)

Đánh đố người tiếp cận

Có mấy tháng trời rị mọ, lục tìm văn bản để làm luận văn tốt nghiệp nên tôi chia sẻ nỗi nhọc nhằn của nhiều người khi có nhu cầu tiếp cận văn bản. Điều khoản “các quy định được ban hành trước kia trái với quy định của luật này sẽ hết hiệu lực và không có giá trị pháp lý” tựa như đánh đố mọi người. Đâu phải cứ muốn là có thể biết ngay quy định nào, nội dung nào bị hủy bỏ.

Cạnh đó, có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung lại nằm rải rác khắp nơi. Đơn cử là các quy định về nhà đất, bình thường thì các quy định trong Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đất đai. Vậy mà gần đây nó lại được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Hay Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai lại được sửa đổi, bổ sung bằng Luật số 34/2009 v.v…

Nếu đọc báo không kỹ hoặc đọc xong rồi để “gió cuốn trôi”, mọi người rất dễ “bé cái nhầm”. Mà đã nói tới luật lệ thì phải đảm bảo chính xác và không ai có quyền nói không biết luật để mà phạm luật. Biết vậy nhưng người dân lại không được nhà nước tạo thuận lợi để thực hiện.

VĂN TUẤN (Đồng Nai)

Pháp điển hóa = Hệ thống hóa pháp luật

Pháp điển hóa là hình thức cao nhất, hoàn chỉnh của công tác hệ thống hóa pháp luật. Có hai trường phái là pháp điển hóa nội dung và pháp điển hóa hình thức.

Pháp điển hóa nội dung: Là việc tập hợp những quy phạm hiện hành, đồng thời đưa vào những quy phạm mới để tạo ra các bộ luật đồ sộ. Ví dụ, Bộ luật Dân sự được tập hợp không chỉ những quy phạm pháp luật hiện hành về dân sự có trước tháng 10-1995 mà còn đưa vào những quy phạm mới như trong Phần thứ sáu, chương II nói về quyền sở hữu công nghiệp, chương III về chuyển giao công nghệ.

Pháp điển hóa hình thức: Là việc sắp xếp các quy phạm pháp luật theo các chủ đề để tiện tra cứu. Hiện Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để thực hiện cách làm này. Theo đó, bộ pháp điển chỉ chứa những quy phạm pháp luật còn hiệu lực, những quy phạm không nằm trong bộ sẽ không có giá trị pháp lý.

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/nhuc-dau-hoa-mat-giua-rung-luat-176492.html