Nhức mắt cảnh học sinh Hà Nội đi xe máy 'đầu trần' đến trường
Học sinh đi xe máy kẹp ba, không đội mũ bảo hiểm, vô tư vi phạm Luật Giao thông đường bộ là hình ảnh thường thấy trên đường phố Hà Nội.
Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT của người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện trong đó, chú trọng vào đối tượng là thanh, thiếu niên.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Tạp chí GTVT cho thấy, tại một số trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh sau khi tan trường tự lái xe máy ra về. Nhiều em trong số đó không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, vi phạm nhiều lỗi về ATGT.
Hình ảnh được ghi nhận vào 6:30 sáng ngày 27/4 tại công trường THPT Kim Liên, phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Trong khoảng gần 1 tiếng đồng hồ tác nghiệp, PV quan sát được hơn 20 trường hợp các bạn học sinh không tuân thủ luật ATGT, chủ yếu là lỗi điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm.
Nhiều trường hợp các bạn học sinh đèo nhau đi học nhưng cả đôi đều không đội mũ bảo hiểm.
Đáng chú ý, một số trường hợp không chỉ không đội mũ bảo hiểm mà còn chở quá số người quy định.
Trong số các trường hợp vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chiếm số lượng phổ biến nhất là các bạn điều khiển xe đạp điện.
Hình ảnh này xuất hiện nhiều vào lúc tan trường hoặc khi sắp đến giờ học.
Hình ảnh tương tự được ghi nhận trước cổng trường THCS Trưng Vương, Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Vào khoảng 5 giờ chiều, khi tan trường cũng là lúc nhiều bạn học sinh vội vàng quay trở về nhà mà quên mất mình chưa đội mũ bảo hiểm.
Nhiều trường hợp di chuyển từ hướng trường THPT Đức Việt, Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cũng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Một số bạn học sinh cố tình lạng lách, đánh võng trong tình cảnh tắc đường, nhiều bạn còn điều khiển phương tiện bằng một tay, thậm chí bỏ cả hai tay với tốc độ cao.
Theo Nghị định 100, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt cảnh cáo. Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc.
Tuy nhiên thực tế nhiều học sinh hiện đang điều khiển các loại xe mô tô có dung tích trên 50cc. Nhiều trường hợp còn thường xuyên không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng gây mất ATGT.
Trước đó Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 240/KH-SGD&ĐT trong đó có quy định rất rõ việc xử lý cán bộ giáo viên, học sinh vi phạm luật ATGT đường bộ.
Theo đó làm rõ trách nhiệm của các nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, đặc biệt là nội dung ký cam kết. Các bậc cha mẹ học sinh phải ký cam kết với nhà trường về việc con em mình khi tham gia giao thông.
Đối với các đơn vị trường học để xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học; để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên, HS-SV vi phạm pháp luật - không có biện xử lý kịp thời; không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Đối cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên thì căn cứ mức độ lỗi vi phạm và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành.
Riêng đối với học sinh sinh viên nếu vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi; Phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2: Hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ; Trả về gia đình giáo dục trong 03 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu; Cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; Buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.