Nhức nhối 'cát tặc' sông Đồng Nai - Bài 1

BPO - Theo báo cáo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì cát xây dựng gồm có 2 điểm mỏ với trữ lượng khoảng 1,8 triệu mét khối. Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Phước chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Phú Thọ có điểm mỏ ở 3 xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Do đó, nguồn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh phần lớn phải mua từ 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Dương với giá khá cao. Trong khi đó, mỏ cát lớn ở thượng nguồn sông Đồng Nai (đoạn qua các xã Thống Nhất, Đăng Hà thuộc huyện Bù Đăng) hiện đóng cửa vì nhiều nguyên do khác nhau và nạn “cát tặc” vẫn tiếp diễn.

NGỪNG KHAI THÁC “TRÊN GIẤY”

Kể từ ngày 31-12-2019, tất cả giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai do tỉnh Bình Phước cấp hết hạn. Bởi tình trạng khai thác quá mức dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, đất đai của người dân nên đến nay, tỉnh vẫn chưa cấp giấy phép khai thác lại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra thường xuyên trên tuyến sông này, gây thất thoát nguồn tài nguyên của tỉnh, làm sạt lở đất và cây trồng của người dân.

Hoạt động rầm rộ cả những ngày giãn cách

Sông Đồng Nai đoạn qua các xã Thống Nhất và Đăng Hà, huyện Bù Đăng nhiều năm nay được xem là điểm nóng của tình trạng khai thác cát trái phép. Trước đó, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã phản ánh nhiều lần, chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng “cát tặc” vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, giá cát xây dựng tăng cao, các đối tượng “cát tặc” còn liều lĩnh khai thác, vận chuyển cát bất chấp lệnh cấm của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và dừng tất cả công trình xây dựng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai chỉ được ngừng “trên giấy”. Trong ảnh: Tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra bất chấp đang trong thời gian giãn cách xã hội (ảnh chụp lúc 15 giờ 30 phút ngày 4-8-2021 tại bãi tập kết cát thôn 5, xã Thống Nhất).

Hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai chỉ được ngừng “trên giấy”. Trong ảnh: Tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra bất chấp đang trong thời gian giãn cách xã hội (ảnh chụp lúc 15 giờ 30 phút ngày 4-8-2021 tại bãi tập kết cát thôn 5, xã Thống Nhất).

Theo phản ánh của người dân, những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại thượng nguồn sông Đồng Nai. Dọc theo các tuyến đường là nhiều bãi cát lớn với hàng ngàn mét khối. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết cát tại đây mới được hút từ dưới sông lên, hạt cát còn mới nguyên. Một người dân ở xã Đăng Hà cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là khi tỉnh quy định người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, các đối tượng “cát tặc” lợi dụng để hút cát trộm. Chúng thường hoạt động từ 22 giờ đến mờ sáng hôm sau. Sau một đêm, hàng trăm mét khối cát mới được tập kết ngay bờ.

Rẫy sầu riêng của một hộ dân ở thôn 6, xã Đăng Hà bị kéo tuột xuống sông do khai thác cát trái phép (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Rẫy sầu riêng của một hộ dân ở thôn 6, xã Đăng Hà bị kéo tuột xuống sông do khai thác cát trái phép (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Bám theo các xe tải chở cát, phóng viên phát hiện các bãi tập kết cát rất lớn nằm sát bờ sông tại khu vực thôn 5, xã Thống Nhất. Những bãi cát này nằm sâu trong các vườn điều, cặp một bên sông Đồng Nai và một bên là đường liên ấp. Do xe tải chở cát hoạt động liên tục, cộng với việc chở quá tải trọng nên những con đường đất này bị cày xới biến thành hố voi, ổ gà đi lại rất khó khăn. Cá biệt có bãi cát tại thôn 5, xã Thống Nhất rộng cả ngàn mét vuông. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 4-8, thời điểm Bình Phước đang thực hiện giãn cách xã hội, tại các bãi cát này vẫn có cùng một lúc 4-5 xe ben và 1 máy múc hoạt động liên tục để chở cát về bãi tập kết.

Quyết liệt nhưng chưa hiệu quả

Ban ngày, dòng sông Đồng Nai khá yên bình. Hàng chục chiếc tàu hút cát neo đậu thành từng cụm không một bóng người. Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành tại khu vực sông Đồng Nai, UBND huyện Bù Đăng đã nhanh chóng thành lập tổ công tác liên ngành để tuần tra xử lý. Thậm chí huyện đã huy động cả canô của Ban CHQS huyện nhưng việc xử lý phương tiện hút cát trái phép trên sông Đồng Nai đang là “bài toán” khó. Được biết, trong đợt ra quân gần đây, tổ công tác liên ngành của huyện đã lập biên bản một số lượng lớn cát khai thác trái phép.

Ông Trần Thanh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Trước tình hình “cát tặc” hoạt động trở lại trên sông Đồng Nai, chúng tôi đã chủ động lập các tổ công tác. Mấy ngày gần đây, chúng tôi sử dụng canô tuần tra trên sông để xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đoạn này sông chảy qua hai tỉnh nên khi chúng tôi kiểm tra thì các đối tượng tấp tàu về địa phận tỉnh Lâm Đồng. Do đó việc xử lý các trường hợp này cần phải có sự phối hợp giữa hai tỉnh.

Nhiều tàu hút cát ban ngày neo đậu trên sông Đồng Nai, đoạn xã Thống Nhất đi xã Đăng Hà

Nhiều tàu hút cát ban ngày neo đậu trên sông Đồng Nai, đoạn xã Thống Nhất đi xã Đăng Hà

Thực tế tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây lợi dụng dịch bệnh Covid-19, “cát tặc” tiếp tục tranh thủ hoạt động. Tình trạng “cát tặc” lộng hành đã khiến hai bên bờ sông Đồng Nai bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích vườn rẫy của người dân đã bị kéo tuột xuống sông. Mất đất, mất rẫy nhưng người dân cũng đành bất lực bởi “cát tặc” rất hung hăng, thường xuyên dùng lời lẽ đe dọa.

Rẫy và nhà của ông Phan Văn Tướng ở thôn 5, xã Thống Nhất nằm cặp bờ sông Đồng Nai. Nhiều năm nay nạn “cát tặc” đã kéo sạt khoảng 1 ha đất vườn của gia đình ông xuống sông. Hiện nay, tình trạng sạt lở đang tiếp diễn, sớm muộn cũng sạt đến tận móng nhà. Ông Tướng cho biết: Vợ chồng tôi thức đến nửa đêm, có hôm 1, 2 giờ sáng để canh tàu hút cát. Khi phát hiện tôi dùng đèn pin rọi nhưng các thuyền hút cát vẫn không đi, tôi phải xuống tận bờ sông để đuổi. Tuy nhiên chúng còn hù dọa vợ chồng tôi.

Xe tải chở cát từ bãi cát xã Thống Nhất lên tập kết tại bãi cát xã Đăng Hà ngay giữa thời điểm tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh chụp ngày 4-8-2021)

Xe tải chở cát từ bãi cát xã Thống Nhất lên tập kết tại bãi cát xã Đăng Hà ngay giữa thời điểm tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh chụp ngày 4-8-2021)

Cách vườn của ông Tướng không xa là vườn điều của anh Nguyễn Văn Mẫn, thường trú thôn 8, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng có khoảng hơn 300m mặt tiền cặp sông Đồng Nai cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Anh Mẫn cho biết: Năm 2015, tôi mua 2,7 ha đất trồng điều, hồ tiêu, cà phê và cây dầu giáp sông Đồng Nai, thuộc đội 3, thôn 5, xã Thống Nhất. Tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai đã gây sạt lở đất từ năm 2017. Đến nay, vườn nhà tôi đã sạt lở khoảng 0,5 ha, làm hư hỏng 50 cây dầu trên 10 năm tuổi và nhiều hoa màu khác, với tổng thiệt hại khoảng 180 triệu đồng.

Được biết, hiện khu vực sông Đồng Nai không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, cát tặc vẫn lén lút hoạt động. Do đó, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép khiến người dân mất đất, Nhà nước thất thu, trong khi mọi nguồn lợi tiếp tục chảy vào túi “cát tặc”.

PVTS

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/126100/nhuc-nhoi-cat-tac-song-dong-nai-bai-1