Nhức nhối nạn bắt khách dọc đường (kỳ 2): Có cầu thì nhà xe cung

Bên cạnh việc các nhà xe vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định của pháp luật thì còn có một bộ phận không nhỏ các hành khách ý thức còn chưa cao, thường xuyên đón xe tại những nơi không đúng quy định. Thực tế cung - cầu tỉ lệ thuận này đã khiến cho tình trạng xe khách bắt khách dọc đường ngày càng trở nên nhức nhối.

“Phớt lờ” quy định của pháp luật

Đối với những xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nhiều hành khách đứng bắt xe dọc đường tại khu vực đầu Đại lộ Thăng Long. Ảnh Mai Quý

Nhiều hành khách đứng bắt xe dọc đường tại khu vực đầu Đại lộ Thăng Long. Ảnh Mai Quý

Theo đó, căn cứ vào Khoản 3, 5, 7, 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; Không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách hoặc dừng đón, trả hành khách quá thời gian quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này; Đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất, trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi đón, trả hành khách trên đường cao tốc.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Mặc dù, Nhà nước đã có chế tài xử phạt nhưng vì lợi nhuận nên nhiều nhà xe vẫn sẵn sàng bất chấp pháp luật để dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.

Sở dĩ, tình trạng xe khách bắt khách dọc đường ngày càng trở nên nhức nhối ngoài việc các nhà xe cố tình “phớt lờ” luật lệ giao thông thì còn do một bộ phận không nhỏ hành khách thiếu ý thức trong việc chấp hành những quy định của pháp luật. Nhiều hành khách chỉ vì một chữ “tiện” và tiết kiệm chi phí đi lại nên không vào bến xe mua vé, lên xe theo đúng quy định, thay vào đó lại bắt xe ở dọc đường.

Bà Trần Thị Mai (Bắc Giang) cho biết: “Tôi rất ít khi vào bến mua vé để về Bắc Giang, trước khi về, tôi sẽ liên hệ trước với nhà xe để biết địa điểm và thời gian đón khách của nhà xe rồi chủ động ra đúng địa điểm và thời gian đó đứng đợi. Như thế vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian. Tôi thường đợi xe về Bắc Giang ở địa điểm Toyota Mỹ Đình (nằm trên đường Phạm Hùng, gần đối diện bến xe Mỹ Đình – PV)”.

Theo ghi nhận của PV, tại những khu vực như đường Phạm Hùng, Kim Đồng, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng … mặc dù rất gần với bến xe nhưng nhiều hành khách vẫn ra những tuyến đường này để đứng bắt xe mà không vào bến xe mua vé lên xe theo đúng quy định. Điều đó cho thấy, ý thức của một bộ phận hành khách trong việc chấp hành những quy định của pháp luật còn chưa cao. Và chính nhu cầu này của hành khách đã trực tiếp khiến cho tình trạng xe khách bắt khách dọc đường liên tục diễn ra và không thể xử lý dứt điểm.

Hành khách tự đánh mất quyền lợi

Ý thức chấp hành những quy định của pháp luật chưa cao, vì một chữ “tiện” và tiết kiệm chi phí đi lại không đáng kể mà nhiều hành khách đã tự mình gây nguy hiểm cho chính bản thân khi đứng bắt xe trên những tuyến đường cấm dừng, cấm đỗ. Đặc biệt là trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, tốc độ di chuyển của các phương tiện rất cao nên rất dễ xảy ra tai nạn đối với hành khách khi đứng bắt xe trên tuyến đường này.

Hơn thế nữa, hành khách tự đánh mất nhiều quyền lợi đáng được thụ hưởng. Một trong những quyền lợi mà hành khách tự đánh mất là phải nộp tiền vé xe nhưng không được lấy vé và không được hưởng quyền lợi như những hành khách khác.

Ông Nguyễn Mạnh Trường (Bắc Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên bắt xe khách ở dọc đường để về Bắc Giang, khi lên xe, nhà xe chỉ thu tiền vé chứ không đưa vé. Nhiều lần, phải đứng suốt trên xe từ Hà Nội về tới Bắc Giang vì xe quá đông và do lên xe ở dọc đường nên xe đã hết chỗ ngồi”.

Theo ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hành khách mua vé xe tại quầy bán vé trong bến xe và lên xe xuất bến tại bến xe sẽ được hưởng đầy đủ các chất lượng dịch vụ vận tải như: Đảm bảo xe chạy đúng hành trình, thời gian, trên xe có điều hòa nhiệt độ, có khăn lạnh, nước uống... mà doanh nghiệp vận tải đã cam kết chất lượng dịch vụ vận tải với cơ quan quản lý tuyến là Sở Giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, khi hành khách vào bến xe mua vé, trên vé đã có bảo hiểm đối với hành khách, nếu trong quá trình đi xe không may xảy ra những trường hợp như tai nạn giao thông thì hành khách sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan và doanh nghiệp vận tải hành khách kịp thời hỗ trợ.

Nếu hành khách đi xe mà không có vé xe thì rất có thể sẽ không được hưởng những quyền lợi trên. Ngoài ra, còn có thể bị nhà xe chèn ép, thu giá vé cao hơn giá niêm yết, không có ghế ngồi khi xe đông khách, khi xảy ra va chạm hay mất đồ, để quên đồ khi đi xe sẽ khó có thể được đảm bảo quyền lợi của hành khách được hưởng.

Mai Quý

Kỳ 3: Tìm giải pháp … để xử lý dứt điểm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhuc-nhoi-nan-bat-khach-doc-duong-ky-2-co-cau-thi-nha-xe-cung-66554.html