Nhức nhối 'phong bì lót tay' ở bệnh viện

Những ngày qua, hàng loạt clip cùng nhiều ý kiến của bệnh nhân phản ánh tiêu cực tại Bệnh viện (BV) K khiến dư luận xôn xao.

Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan công an, nhưng câu chuyện “phong bì lót tay” bác sĩ luôn là mối bận tâm của mỗi người dân khi bước chân qua cánh cổng BV. Ngành y tế quyết tâm ngăn chặn bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng liệu căn bệnh nan y này có được chấn chỉnh?

Từ vụ ồn ào ở Bệnh viện K…

Dư luận dấy lên làn sóng phản ứng hành vi ứng xử của cán bộ y tế tại BV K sau khi có một người dân đứng ra tố cáo người bệnh phải "bôi trơn" 200.000 đồng mỗi lần xạ trị tại đây. Không dừng lại ở đó, trên các trang mạng xã hội, cũng như ở phần bình luận về chủ đề này trên nhiều tờ báo, liên tiếp người dân lên tiếng rằng, số tiền lót tay cho y, bác sĩ có thể ở mức vài chục, vài trăm nghìn đồng như trong clip tố cáo.

Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện K Tân Triều. Ảnh: Nam Trần

Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện K Tân Triều. Ảnh: Nam Trần

Nhưng cũng có những người cho rằng phải mất nhiều hơn, như 500.000 đồng đến một triệu hay vài triệu đồng. Thậm chí, có ý kiến cho biết, người nhà muốn được điều trị hay phẫu thuật sớm, họ phải chi tới cả chục triệu đồng. Chưa hết, nhiều người còn thẳng thắn chỉ trích thái độ của một số y, bác sĩ tại BV K là “không thể chấp nhận được”.

Còn nhớ, năm 2016, cũng tại BV này, người dân tung đoạn clip bác sĩ nhận cả xấp phong bì của bệnh nhân đưa để chuyển cho phẫu thuật viên. Bác sĩ này còn hướng dẫn người bệnh đưa phong bì cho các bộ phận khác liên quan đến kíp phẫu thuật như gây mê, hồi sức… BV K xác nhận sự việc được quay tại BV và nữ bác sĩ trong clip công tác tại khoa Ngoại vú. Ngay sau đó, Hội đồng kỷ luật của BV đã họp, bỏ phiếu mức kỷ luật cảnh cáo đối với bác sĩ này.

Có thể nói, câu chuyện phong bì "bôi trơn" trong ngành y không hề mới, vẫn luôn tồn tại, âm ỉ trong đời sống xã hội. Nhiều trường hợp đến tiền chữa bệnh còn chưa đủ, nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn cái “phong bì lót tay” khi đi khám. Tâm lý lo sợ bác sĩ không nhận phong bì sẽ không khám, tư vấn kỹ khiến nhiều người “bỏ tiền mua cái sự yên tâm” cho mình.

“Không có vùng cấm” nếu phát hiện tiêu cực

Từ câu chuyện ở BV K, nhiều người công tác trong ngành y cho biết, nếu việc bệnh nhân xạ trị đều phải dúi tiền vào tay bác sĩ là sự thật, điều đó không thể chấp nhận được. “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ nếu đồng nghiệp vòi tiền của bệnh nhân, danh dự, uy tín, lương tâm của người bác sĩ ở đâu?” – một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ. Có thể nói, "văn hóa phong bì" đã làm méo mó hình ảnh cán bộ y tế, gây phiền hà, tăng thêm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân và gia đình.

Một bác sĩ đầu ngành khác cũng kể câu chuyện, từng có bệnh nhân dúi vào tay ông chiếc phong bì trước khi lên bàn mổ. Ông từ chối và động viên bệnh nhân yên tâm điều trị. Bệnh nhân liền rơm rớm nước mắt, nghĩ rằng bệnh mình không thể cứu nên bác sĩ mới không dám nhận tiền. Lúc đó, ông vẫn phải cầm phong bì, chờ sau khi bệnh nhân khỏi bệnh mới đem trả lại. “Chuyện phong bì ám ảnh bệnh nhân ngay cả khi thập tử nhất sinh, thật đáng xấu hổ. Muốn xóa bỏ nó trong toàn ngành, không phải là một sớm một chiều. Dù BV nào cũng quy định cấm “làm tiền” người bệnh, nhưng ở đâu đó vẫn còn tình trạng vòi phong bì. Đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng lại mang tiếng xấu trong toàn ngành” – vị bác sĩ này chia sẻ.

Xét ở góc độ nghề nghiệp, nhân viên y tế nhận tiền từ người bệnh đã vi phạm quy chế của ngành, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, ở góc độ pháp lý, đưa và nhận phong bì trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, để biết và xử phạt vấn đề này không đơn giản.

Nhìn từ nhiều góc độ, có thể thấy rằng, cái gốc của nạn phong bì xuất phát từ việc quá tải trong KCB, chất lượng dịch vụ khác nhau quá xa giữa các tuyến. Đồng thời, thu nhập của nhân viên y tế tại các BV công chưa cao, trong khi áp lực nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số bác sĩ đánh mất y đức.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, sau lùm xùm clip tố bác sĩ BV này nhận phong bì, Giám đốc BV K Lê Văn Quảng cho biết, thời điểm hiện tại bệnh nhân điều trị rất đông, quá tải ở cả 3 cơ sở điều trị, trong đó khối xạ trị làm việc liên tục 23/24 giờ. Trước thực trạng này, nhận thấy có nguy cơ nảy sinh tiêu cực nên thời gian qua, BV luôn luôn chấn chỉnh thái độ phục vụ, đặc biệt là công tác phòng, chống tiêu cực. Qua phản ánh của bệnh nhân, đã có 4 trường hợp bị đình chỉ công tác liên quan đến thái độ ứng xử.

Về phía Bộ Y tế, trong những năm qua đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo toàn ngành nâng cao chất lượng KCB, chấm dứt vấn nạn phong bì trong BV. Yêu cầu của Bộ Y tế được Nhân dân đồng tình ủng hộ. BV Việt Đức, K, Phụ sản T.Ư, Bạch Mai và BV E từng là những đơn vị y tế được Bộ Y tế chọn thực hiện thí điểm nói không với "văn hóa phong bì".

Từ bấy đến nay, chất lượng dịch vụ y tế tại các đơn vị được cải thiện đáng kể. Các BV ráo riết nâng cao tinh thần thái độ, ứng xử giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà người bệnh. Nhưng đáng tiếc, câu chuyện lùm xùm tại BV K không chỉ xảy ra lần đầu.

Ngay sau khi dư luận phản ánh, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc BV K tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình đón tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ với người bệnh và người nhà người bệnh, không để xảy ra tiêu cực. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, tinh thần của Bộ Y tế là làm rõ, công khai và xử lý nghiêm "không có vùng cấm" nếu phát hiện tiêu cực, không chỉ đối với BV K mà tất cả các cơ sở y tế trên cả nước.

Để ngăn chặn sự tha hóa của một bộ phận nhân viên y tế trước sự cám dỗ của đồng tiền, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ ngành y tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, mỗi thầy thuốc đều phải làm theo lời thề Hippocrate cũng như những quy định về y đức - Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Không thể vin vào lý do thu nhập hay áp lực công việc để kiếm thêm thu nhập bằng sự bất hợp pháp là vòi vĩnh phong bì từ người bệnh.

Trong quy tắc ứng xử nâng cao y đức quy định, cán bộ, nhân viên y tế thực hiện văn minh giao tiếp ứng xử trong BV; tận tụy vì người bệnh; chào hỏi thân thiện, chỉ dẫn ân cần, tư vấn tận tình; thực hiện nói không với tiền, quà biếu của người bệnh là tình cảm của người thầy thuốc với người bệnh…

Chúng tôi cảm ơn dư luận và công chúng đã theo dõi phản ánh những bất cập tại BV cũng như đóng góp ý kiến để BV phục vụ Nhân dân tốt hơn. Nếu phát hiện nhân viên y tế có tiêu cực, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm.
Giám đốc BV K Lê Văn Quảng

Sau ồn ào vụ BV K, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt Quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế. Cùng với đó, định kỳ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng BV; thực hiện quy trình, quy định nội bộ của BV; đồng thời nhắc nhở và xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhuc-nhoi-phong-bi-lot-tay-o-benh-vien.html