Nhức nhối vấn nạn hủy hoại tài sản nông nghiệp
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ cố ý hủy hoại tài sản là cây trồng và các sản phẩm nông nghiệp gây thiệt hại cho các hộ dân và doanh nghiệp. Vấn nạn này đang trở thành một thực trạng nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm.
Từ lén lút đến công khai
Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng qua nắm bắt thực tế, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ hủy hoại tài sản là cây trồng và sản phẩm nông nghiệp gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như vụ chặt phá hàng trăm cây cam của gia đình anh Trần Xuân Nguyên ở xã Dũng Phong (Cao Phong) xảy ra ngày 13/2/2018; vụ phun thuốc diệt cỏ triệt hạ hàng chục cây cam, quýt giai đoạn kinh doanh đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình chị Lê Thị Hiên ở khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hoặc vụ đổ thuốc trừ sâu vào ao cá của gia đình ông Hà Văn Nêu ở xã Nà Mèo (Mai Châu)xảy ra sáng ngày 14/4/2019 gây thiệt hại hàng chục triệu đồng;vụ chặt phá gần 200 cây sưa 5 - 6 tuổi tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) của gia đình ông Vũ Văn Hiệp,trú tại phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) được phát hiện ngày 17/4/2019, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ là các vụ hủy hoại diễn ra lét lút, nhiều vụ việc còn diễn ra một cách công khai bất chấp các quy định của pháp luật. Như vụ gia đình ông Nguyễn Thành Nam bị ông Lê Hải Sơn (SN 1964), cùng trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) hủy hoại 4 cây mít, 40 cây nhãn, 2 cây sấu, 500 cây keo, tháo dỡ 1 nhà sàn. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 30 triệu đồng được trình báo cơ quan chức năng ngày 23/5/2019 vừa qua.
Đặc biệt là vụ việc hủy hoại, chặt phá cây trồng, lấn chiếm đất sản xuất của hàng chục hộ dân ở các xóm: Băng, Khộp, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) kéo dài trong nhiều năm qua. Theo đó, từ đầu năm 2017 có khoảng 15 hộ dân xóm Băng, Khộp đã có hành vi chặt phá cây trồng, lấn chiếm đất sản xuất của Công ty CP cà phê Thái Hòa. Trong đó, có 11 hộ dân xóm Băng, 3 hộ dân xóm Khộp. Tổng diện tích đất bị người dân lấn chiếm khoảng 17 ha. Đáng chú ý, hầu hết các hộ lấn chiếm đất là những hộ trước đây đã từng lấn chiếm, sau đó đã hoàn trả và cam kết không tái lấn chiếm. Tuy nhiên, các hộ này lại tái lấn chiếm để trồng ngô. Trong đó, hộ lấn chiếm nhiều nhất khoảng 2 ha, hộ ít nhất gần 1 ha. Mới đây nhất,ngày 14/5/2019, Bùi Văn Lộc (SN 1987), trú tại xóm Khộp đã ngang nhiên chặt phá 402 cây cà phê trên diện tích hơn 1 ha của Công ty Thái Hòa gây thiệt hại khoảng 16 triệu đồng. Đáng nói, trong quá trình lấn chiếm, nhiều lần xảy ra xô xát dẫn đến thương tích giữa người dân và nhân viên công ty. Như ngày 24/4/2019 xảy ra xô xát giữa một số người dân với anh Nguyễn Hồng Hải (SN 1980) là nhân viên công ty, khiến anh này bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tác động lớn nhưng khó đấu tranh, xử lý
Trên thực tế, đối với những vụ việc đã rõ thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã và đang có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với những vụ việc diễn ra lén lút thì việc đấu tranh, giải quyết, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong,hành vi hủy hoại tài sản, chặt phá cây nông nghiệp của người dân rất đáng lên án. Vấn đề này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế về lâu dài cho các gia đình nạn nhân mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội,làm mất ổn định ANTT ở cơ sở. Tuy vậy, công tác đấu tranh, điều tra, làm rõ các vụ việc này còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng thường thực hiện hành vi vào ban đêm, lợi dụng lúc vắng người. Ngoài ra, trong quá trình điều tra,phía người bị hại cũng chưa thông tin đầy đủ về các mối quan hệ, mâu thuẫn xã hội cho lực lượng Công an để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ. Thế nên, các vụ việc hủy hoại tài sản là cây trồng xảy ra trên địa bàn huyện đến nay vẫn còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm.
Tương tự,trong vụ việc chặt phá gần 200 cây sưa tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) về phía cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xác minh làm rõ. Trao đổi với đồng chí Đinh Trường Giang, Phó trưởng Công an xã Thái Thịnh được biết,ngay sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã khẩn trương vào cuộc. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra trước đó khá lâu, lại vượt quá thẩm quyền giải quyết của xã nên đã chuyển lên Công an thành phố thụ lý, giải quyết.
Qua tìm hiểu, các vụ việc hủy hoại tài sản là cây trồng có thể liên quan đến những mâu thuẫn, trả thù cá nhân. Do vậy, "Để làm tốt công tác phòng ngừa, không để tái diễn tình trạng này thì cấp ủy, chính quyền địa phương từ cơ sở cần tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh, vướng mắc ngay từ cơ sở, giữ vững ổn định an ninh nông thôn. Có như vậy mới góp phần giải quyết dứt điểm vấn nạn này” - Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong nhấn mạnh.