Nhức nhối vấn nạn quấy rối tình dục khi quay phim tại Hàn Quốc
The Korea Times, các diễn viên có thể bị quấy rối tình dục hoặc các hình thức lạm dụng khác trong quá trình quay phim, đặc biệt cảnh quan hệ tình cảm.
Lợi dụng khi quay cảnh tình cảm
Ngày 14/9, cổng thông tin Naver đã đăng tin nữ diễn viên Heo Yi Jae giải nghệ vì không thể chịu được tình trạng bắt nạt, quấy rối tình dục khi quay phim. Cụ thể, cô từng bị một đàn anh đã có gia đình gạ tình khi họ quay phim chung. Bởi trong phim hai người đóng vai vợ chồng nên đàn anh đã lợi dụng điều này để yêu cầu ngủ chung. Khi Heo Yi Jae từ chối thì nam diễn viên bắt đầu la hét và ném đồ vào cô. Vụ việc để lại vết thương lớn và tổn thương tâm lý nặng nề với Heo Yi Jae dẫn tới quyết định giải nghệ vào năm 2016.
Heo Yi Jae giải nghệ vì bị gạ tình.
Trường hợp của Yoon jin Seo cũng tương tự, cô thú nhận trong buổi họp báo phim Secret Love thời gian quay cảnh ân ái, cô đã kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất.
Yoon jin Seo bị ám ảnh tâm lý.
Trong khi các hãng phim ở Hollywood tạo ra nhiều biện pháp để bảo vệ diễn viên đặc biệt khi quay cảnh nóng nhưng với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc thì vẫn chưa coi trọng vấn đề này.
Các đạo diễn và diễn viên cũng đã khẳng định với The Korea Times, không hề có thể chế nào hỗ trợ bảo vệ các diễn viên đóng cảnh nóng. Các diễn viên phải tự mình bảo vệ để bản thân không trở thành nạn nhân của hành vi sai trái này.
Một số diễn viên hạng A luôn cảnh giác với những bộ phận cơ thể bị lộ ra ngoài và sử dụng đồ bảo hộ để quay cảnh tình cảm. Những diễn viên ít nổi tiếng, không thể hoặc không được phép sử dụng diễn viên thay thế và phải sử dụng thiết bị bảo vệ. Thiết bị này giúp họ tránh tình huống “lộ hàng” hoặc ngăn đồng nghiệp lợi dụng cảnh thân mật để quấy rối.
Thông thường nhân viên trong bộ phận trang điểm hoặc trang phục giao cho nữ diễn viên những thiết bị như vậy trước khi quay cảnh tình cảm. Tuy nhiên, họ không được đào tạo chuyên nghiệp để đối phó với các khía cạnh pháp lý. Ngoài ra, vấn đề tâm lý cũng quan trọng bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để phân định rõ ranh giới giữa cảnh quay với lạm dụng tình dục.
“Yêu râu xanh” bị vạch trần
Năn 2018, phong trào #MeToo đang lan rộng ra nhiều quốc gia nhằm vạch trần vấn nạn quấy rối tình dục. Làn sóng này đã tiếp thêm động lực để các nạn nhân ở Đại Hàn dân quốc dũng cảm lên tiếng và từ đó, hàng loạt diễn viên, đạo diễn nổi tiếng bị lộ tẩy quá khứ đen tối.
Vụ phanh phui đình đám nhất là đạo diễn Kim Ki Duk - người đứng sau thành công của nhiều phim điện ảnh, bị cáo buộc cưỡng dâm làm công chúng mất niềm tin vào ngành giải trí Hàn Quốc (vào cuối năm 2019).
Chương trình PD Notebook của đài MBC và diễn viên A tố cáo những chiêu trò gạ gẫm, quấy rối của Kim Ki Duk. Diễn viên A cho biết, đạo diễn đã cố cởi trang phục và ép cô quan hệ tình dục khi tham dự Liên hoan phim Busan. Kim Ki Duk thường xuyên động chạm vào cơ thể cô, kể cả những bộ phận nhạy cảm. Thậm chí ép cô và nữ diễn viên khác quan hệ tình dục 3 người.
Kim Ki Dul và Cho Jae Huyn. Ảnh: Korea Herald.
Trước lời cáo buộc kia, Kim Ki Duk đã kiện nữ diễn viên A và nhà sản xuất của chương trình PD Notebook vì hành vi phỉ báng, đưa tin sai sự thật. Nhưng tòa án đã bác bỏ đơn kiện của Kim Ki Duk với lý do những cáo buộc chống lại Kim không thể bị đánh giá là sai sự thật.
Các sự thật đen tối dần được phơi bày kể từ năm 2018, như nam diễn viên Cho Deok Je nhận án một năm tù giam, hai năm tù treo vì bị buộc tội hành vi không phù hợp và cố tình tiếp xúc thân thể với nữ diễn viên Ban Min Jeong trong một cảnh được thực hiện tháng 4/2015.
Hay vụ án đạo diễn Cho Jae Huyn bị cáo buộc quấy rối nữ diễn viên Choi Yul. Sau đó, đạo diễn lên tiếng xin lỗi và bị loại khỏi hàng loạt dự án.
Những con số biết nói
Tờ Korea Herald đưa tin vào năm 2017, cuộc khảo sát do Trung tâm Bình đẳng giới trong Điện ảnh Hàn Quốc thực hiện đã cho biết tỷ lệ người tham gia phỏng vấn thừa nhận bị bạo lực hay quấy rối tình dục trong quá trình làm phim là 46,1%. Những người tham gia cuộc khảo sát gồm diễn viên, đạo diễn, đội quay phim và nhân viên trang điểm...
Điều đáng buồn là đến tháng 4 năm nay con số này lại tăng lên đáng kể. Tăng lên 58,3% trong số 843 người được hỏi. Trong đó, tỷ lệ nạn nhân là nữ giới là 74,6%, nam giới chỉ chiếm 37,9%. Đạo diễn là đối tượng chịu đựng tình trạng bạo lực, quấy rối nghiêm trọng nhất (68,2%), tiếp đến là tổ đạo cụ và trang điểm, hóa trang.
Đáng nói, vì tâm lý lo sợ nên hầu hết nạn nhân im lặng cho qua vụ việc khiến tình trạng quấy rối tình dục càng nghiêm trọng. Khoảng 51% số nạn nhân trong cuộc khảo sát cho biết đã không làm gì để đáp trả sau khi bị quấy rối và 39,3% nói với bạn bè, đồng nghiệp của họ. Chỉ 8,7% nạn nhân báo cáo sự việc với sếp hoặc người giám sát.
Những con số này phản ánh nguy cơ đáng báo động nếu như không có các biện pháp can thiệp kịp thời.