Nhức nhối vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
Thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA) hiện vẫn đang nhức nhối, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hệ thống điện.
Đi tìm nguyên nhân
Theo Ban An toàn - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tồn tại các vụ vi phạm HLBVATLĐCA là tình trạng xây dựng, cải tạo, nâng cấp và sửa chữa công trình, nhà ở, lắp đặt biển quảng cáo... tại các thành phố, thị xã và khu đông dân cư rất phức tạp.
Ở nhiều địa phương, tình trạng chủ công trình tổ chức thi công vào ban đêm, ngày nghỉ diễn ra khá phổ biến. Khi bị phát hiện, đương sự không hợp tác với các cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Ngoài ra, ở một số địa phương, không ít công trình lưới điện 220kV được xây dựng từ khi chưa có quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, nay đời sống được nâng lên, khi người dân có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở thì bị hạn chế bởi chiều cao an toàn của đường dây. Kết quả dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Người dân không thiện chí, không hợp tác xử lý gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị quản lý vận hành và làm gia tăng số vụ vi phạm kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, một số địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm HLBVATLĐCA dẫn đến việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng địa phương trong việc cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm với các đơn vị quản lý vận hành của Tập đoàn không hiệu quả.
PGS.TS Cao Thị Oanh - Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Các hình thức xử lý vi phạm HLBVATLĐCA hiện nay tuy đầy đủ về hình thức, nhưng mức hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm dẫn đến tồn tại nhiều vụ vi phạm. Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu hay tính mạng của một người (trộm cắp tài sản, giết người,...) đều bị xử lý nghiêm minh (cao nhất tù chung thân, tử hình). Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm HLBVATLĐCA cũng gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, chỉ bị phạt tù cao nhất là 10 năm.
Cần tăng nặng hình phạt đối với người vi phạm
Mục tiêu của ngành Điện trong năm 2020 giảm 30% số vụ vi phạm HLBVATLĐCA so với năm 2019, không để phát sinh các vụ mới (tính đến cuối năm 2019, số vụ vi phạm là 1.320 vụ). Thực hiện nghiêm các thỏa thuận về quản lý và bảo vệ hành lang lưới điện cao áp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Để đạt được mục tiêu này, theo Ban An toàn EVN, Tập đoàn sẽ tiến hành rà soát các trường hợp vi phạm HLBVATLĐCA (bao gồm đường dây, trạm điện), báo cáo chính quyền địa phương xử lý ngay các vi phạm, ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, sự cố, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định. Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục duy trì các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về lĩnh vực này; đổi mới nội dung tờ rơi về tuyên truyền an toàn điện theo hướng trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ.... Rà soát, bổ sung các biển báo theo quy định. Tiếp tục phối hợp cùng với chính quyền địa phương các cấp, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp cố tính vi phạm.
Đối với các dự án xây dựng đường dây 220/500kV mới, cần có giải pháp cụ thể, không cho tồn tại công trình, nhà ở trong HLBV ATLĐCA và tồn tại điểm vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện 220kV khi đưa công trình vào vận hành. Tập đoàn cũng sẽ áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp, hạ ngầm lưới điện để xóa các vụ vi phạm hành lang…
Tuy nhiên, theo TS. Võ Khánh Linh - Trưởng bộ môn Luật, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, về lâu dài và để xử lý dứt điểm tình trạng này, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự trong lĩnh vực này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng tính răn đe đối với người vi phạm. Cùng với đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị để ngăn ngừa tình trạng tái diễn vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.