Nhức nhối với tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam
Tuyến biên giới trên địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang dài hơn 100km và tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến rất phức tạp.
Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn 3 tỉnh đạt được kết quả khả quan, nhiều đường dây buôn lậu lớn bị triệt xóa. Tuy nhiên, vào những thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa tăng cao, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách hoạt động và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng...
Buôn lậu gia tăng
Sau một thời gian lắng dịu, gần đây, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cung lợn khan hiếm đẩy giá tăng cao đã khiến tình trạng thẩm lậu lợn qua tuyến biên giới An Giang có dấu hiệu tăng trở lại.
Tìm hiểu thực tế tại huyện An Phú, chúng tôi được ông Đoàn Bình Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Địa bàn huyện có đường biên giới dài 42,5km, với hai cửa khẩu chính và một cửa khẩu phụ, địa hình đồng ruộng bằng phẳng, nhiều sông, kênh, rạch, đường mòn, lối mở, thuận tiện cho việc qua lại biên giới bằng đường sông và đường bộ, nên các đối tượng buôn lậu thường chọn An Phú làm nơi hoạt động. Trung bình lượng lợn nhập lậu đi qua địa bàn từ 200 đến 300 con/ngày, đêm”.
Không riêng An Phú mà ở một số huyện vùng biên giới của tỉnh An Giang, hoạt động buôn lậu lợn cũng khá nhộn nhịp. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ vận chuyển lợn lậu với tổng số 229 con, trong đó, lực lượng biên phòng tỉnh bắt giữ 13 vụ với 176 con.
Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, hoạt động buôn lậu đang có chiều hướng tăng cao. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, trong hơn 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 580 vụ việc vi phạm, trong đó có 173 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 360 vụ gian lận thương mại, gần 50 vụ hàng giả, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 21 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thuốc lá, đường cát... Đặc biệt, do dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên gần đây nổi lên tình trạng buôn lậu lợn và khẩu trang y tế. Qua lời khai của các đối tượng buôn lậu bị bắt giữ, giá thịt lợn, khẩu trang y tế giữa Việt Nam và Campuchia có sự chênh lệch lớn. Thu lợi từ việc mua bán, vận chuyển hàng lậu rất cao nên có trường hợp bị phạt hành chính đến 35 triệu đồng nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục hoạt động”.
Manh động tấn công lực lượng chức năng
Theo lực lượng chức năng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên các đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động; nhiều vụ tấn công lực lượng chức năng khi bị bắt giữ đã xảy ra. Minh chứng cụ thể tại khu vực biên giới TP Châu Đốc (An Giang) gần đây nổi lên tình trạng thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Các đối tượng đai vác thường tập trung đông người để vận chuyển hàng và sẵn sàng dùng cây, dao, gậy chống trả quyết liệt lực lượng chức năng để cướp lại hàng hóa. Điển hình như vụ bắt giữ 1 chiếc vỏ lãi vận chuyển 23.400 gói thuốc lá vào đêm 13-8-2020, các đối tượng buôn lậu đã tông thẳng phương tiện vận chuyển vào lực lượng chức năng, gây thương tích cho một cán bộ.
Còn tại TP Hà Tiên (Kiên Giang), tối 28-4-2020, tổ trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 phát hiện khoảng 200 đối tượng vận chuyển gần 120.000 gói thuốc lá lậu đi từ Campuchia vào biên giới nước ta. Phát hiện lực lượng chức năng, khoảng 100 đối tượng đã dùng hung khí và đá tấn công các cán bộ, chiến sĩ. Trong lúc giằng co, các đối tượng quá khích vây đánh làm Đại úy Phạm Anh Tuấn (cảnh sát cơ động) bị thương ở đầu, mặt, gãy cánh tay phải. 4 đồng chí biên phòng bị thương ở đầu và phần mềm cơ thể.
Mới đây, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cầu Muống (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dịch Covid-19, đến khu vực xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự), thấy một đối tượng sử dụng xe máy có dấu hiệu nghi vấn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có hai bao tải chứa 500 gói thuốc lá lậu. Sau khi tổ công tác bàn giao tang vật cho Đồn Biên phòng Cầu Muống và trở về điểm chốt chặn làm nhiệm vụ, đối tượng buôn lậu đã chửi bới, xông vào chốt dã chiến của đơn vị đập phá tài sản...
Các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp, tại các tỉnh biên giới An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang bước vào mùa nước nổi, vì thế, lực lượng chức năng lo lắng tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng. Thiếu tá Thân Văn Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống cho biết: “Đơn vị quản lý đoạn biên giới hơn 10km, trong đó có 9km là đường sông. Hai bên bờ sông, hoạt động buôn lậu diễn ra rất “rầm rộ”. Do đặc điểm địa hình thuận lợi nên các đối tượng không mất quá nhiều thời gian để đưa hàng lậu qua sông, sau đó đưa lên xe máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Lợi dụng mùa mưa, nước sông dâng cao và nhằm tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, các đối tượng còn bỏ hàng lậu, nhất là thuốc lá vào các thùng giấy, vỏ bao chống thấm rồi thả trôi sông..., gây khó khăn cho công tác phòng, chống buôn lậu”.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm bảo vệ bình yên vùng biên giới, lực lượng chức năng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang tăng cường các biện pháp đấu tranh để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, như: Xác lập chuyên án triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng buôn lậu phức tạp, tập trung mặt hàng thuốc lá; tăng cường phối hợp liên ngành chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới...