Những ai đã được cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô?

Nhiều người được cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô là cán bộ công chức, cá biệt có người dùng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ, nâng ngạch thanh tra viên…

Theo kết luận điều tra, dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

Trường này ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo với 15 cơ sở đào tạo, trong đó có 12 cơ sở đã tuyển sinh được hơn 3.500 học viên, thu về số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: S.T

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: S.T

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an xác định đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).

Trong số trên, 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị.

Như vậy, ngoài 217 người đã được làm rõ, vẫn còn 409 cá nhân đang có bằng cử nhân được làm giả hoặc không có giá trị của Trường Đại học Đông Đô. Những người này hiện không thể xác định là ai, đang làm việc ở đâu, sử dụng bằng hay chưa… Điều này có thể dẫn tới hệ lụy các tấm bằng không có giá trị nêu trên được chủ nhân sử dụng vào các mục đích khác nhau mà không bị phát hiện.

Theo cơ quan điều tra, trong số 193 người được cấp bằng giả thì có tới 60 người đã sử dụng bằng. Trong đó, 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ...

Với 409 cá nhân chưa thể xác định, nhiều người trong số họ cũng có thể đã sử dụng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô vào các mục đích tương tự.

Đáng chú ý, để cấp bằng giả, Trần Khắc Hùng giao Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (hai cựu phó hiệu trưởng) chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình, đồng thời hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng cách phát đề thi và đáp án rồi chép lại. Cá biệt có trường hợp không phải hợp thức hóa bài thi.

Điều này đồng nghĩa các cá nhân được cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô biết rõ bản thân họ không đủ điều kiện để cấp bằng, nhưng vẫn đồng ý phối hợp với nhà trường sử dụng các thủ đoạn nêu trên để hợp thức bài thi.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các cá nhân tham gia học hệ văn bằng 2 tại các cơ sở của Trường Đại học Đông Đô trình báo, cung cấp tài liệu để làm hồ sơ giải quyết.

Tuy nhiên, trong số hơn 3.500 học viên, chỉ có 119 người từng tham gia học tại trường này có đơn trình báo, cộng thêm số 23 người có theo học nhưng bằng không có giá trị.

Đến nay, cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 người đã sử dụng bằng, hai trường hợp còn lại không kiến nghị xử lý vì một người đã nghỉ công tác và một người chủ động tố cáo sai phạm.

Với các trường hợp chưa sử dụng bằng, cơ quan công an đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định hủy bỏ, thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Dùng bằng giả bị xử lý như thế nào?

Về mặt pháp lý, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng những tấm bằng hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô không có giá trị. Bởi vậy, các học viên dù đã được cấp bằng nhưng họ không phải là cử nhân hệ văn bằng 2 theo quy định của pháp luật.

Nếu các học viên biết rõ mình không tuyển sinh, không đào tạo nhưng vẫn được cấp bằng và sử dụng bằng cấp đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, khoản 3, khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013 quy định phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu cá nhân sử dụng bằng giả để thực hiện những hành vi trái pháp luật thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng giấy tờ giả, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nhung-ai-da-duoc-cap-bang-gia-o-dai-hoc-dong-do-951887.html