Những ai đi gánh sông trăng?
Đã lâu lắm tôi mới lại lại được đọc những bài thơ rất yêu thích của mình trên một cuốn sách đẹp. Bài đầu tiên tôi giở đến là 'Chồng chị chồng em' và cứ nghĩ mãi về cái kết 'Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm'.
Rồi bài thứ hai là “Biển đêm” của Nguyễn Thị Hồng Ngát, sau khi Lê Vinh phổ nhạc ca sĩ Ngọc Tân đã hát hàng trăm đêm trên các sân khấu cả nước.
Đấy chỉ là hai ví dụ trong tập sách hơn một trăm bài thơ tình của 5 thi sĩ thành danh từ lâu trên văn đàn. Tôi đã đọc một lèo không rời ra được. Những bài có lẽ là hay nhất được các chị tuyển chọn để in trong tập Những người gánh sông trăng đang nằm trên tay tôi. Đúng là cuốn sách từ lâu tôi ước ao có được. Mỗi lần giảng dạy cho sinh viên, muốn có văn bản gốc, tôi phải lặn lội vào thư viện, vì tra trên Google nhiều khi “tam sao thất bản”, không đúng với bản gốc. Trong khi thơ ca chỉ sai một chữ đã khác một nghĩa…
Cuốn sách ngoài thơ còn có 5 bài ký chân dung 5 người thơ của nhà văn- họa sĩ Trần Thị Trường, và 1 bài viết về Trần Thị Trường, người đã ở độ tuổi U80 vẫn hằng ngày cầm cọ vẽ nên những bức họa rung động lòng người của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Tập sách vừa được NXB Hội nhà văn ấn hành quý IV năm 2024.
Được sự khích lệ và giúp đỡ của một người Hà Nội lịch thiệp và yêu văn hóa Phạm Thúy Anh nội dung cuốn sách nhanh chóng được thành hình. Họa sỹ Trần Thị Trường đưa ngay cái tên sách “Những người gánh sông trăng”. Chị bảo: chúng mình đi gần 7 thập kỷ trên con đường đời này rồi, cũng biết đủ thượng vàng hạ cám rồi, biết cả thế nào để giàu nghèo như mọi người, nhưng chúng ta chỉ một lòng chọn cái đẹp để theo, vất vả nặng nhọc đến mấy cũng không từ bỏ. Mà cái đẹp thì luôn ảo diệu như trăng vậy.
5 nhà thơ có mặt trong tập sách đều là những cái tên đã quá quen thuộc.
Phan Thị Thanh Nhàn là nhà thơ cùng thời với Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ… Bài Hương thầm được giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo văn nghệ năm 1969 (giải nhất cuộc thi ấy là chùm thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật). Bài thơ trở thành một bài hát hay bởi giai điệu của Nhạc sĩ Vũ Hoàng, nên sức lan tỏa càng rộng lớn. Chị là người thơ hạnh phúc luôn được bạn đọc các thế hệ yêu quý bởi lối sống quảng giao, chu đáo, ấm áp với bè bạn. Mọi người luôn âu yếm gọi chị bằng biệt danh nhà thơ hương thầm. Nhưng chị còn có nhiều bài thơ hay, để lại ấn tượng cho bạn đọc bằng những hình ảnh vừa dung dị gần gũi vừa thấm chất thơ: Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau (Đám cưới ngày mùa). Người phụ nữ trong thơ chị chân thành, nhiều cảm xúc, đôn hậu, đằm thắm rất nữ tính, tinh tế không dễ thực hiện:“Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu”(Con đường ). Như rất nhiều phụ nữ tinh tế, mộng mơ, chị sợ nhất là cuộc đời xô bồ làm biến đổi, làm tan vỡ hình tượng người xưa trong tâm tưởng: “Nghĩ về anh, nghĩ về anh/ mơ hay thực cũng không đành trong em…/Anh là thực đấy anh ơi/ Trong em sáng một mặt trời thân yêu/ Ta như hai đứa trẻ nghèo/ quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn/ Đừng bao giờ nhé, chín thêm/ Sợ tan mất giấc mơ em - một thời (Nghĩ về anh).
Nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát lại cho tôi một góc nhìn khác về tình yêu, về sự đằm thắm, bao dung và nồng nhiệt. “Biển đêm” là một tượng đài về ca từ âm nhạc. Nhạc sĩ Lê Vinh và ca sĩ Ngọc Tân đã chọn cách để bài thơ đó vang lên và vang mãi trong lòng người đã yêu, đang yêu và chưa yêu.
Thơ chị là những lời tự tình thầm thĩ một mình:“Cây lao xao lá lao xao/Chẳng tu cũng thể bước vào đường tu/ Thinh không vẳng tiếng chuông chùa/Nghìn năm sương khói mịt mù nghìn năm/” (Đêm nghe tiếng cuốc kêu)
Hay những câu chân tình, lắng vào hồn người: “Biển như người thiết tha/ Yêu đến suốt đời sôi động/ Ai đã hiểu hết tình biển rộng/ Ai đã đo được lòng biển sâu” (Biển)
Chỉ riêng Biển thôi, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã có nhiều câu thơ hay: “…Nơi xa vời anh có biết không/ Em gọi anh thì thầm cùng tiếng sóng/ Nếu nơi ấy em thấy lòng xao động/ Là tình em vang vọng ngóng trông…” (Biển đêm). Hay: “Em đã qua nửa cuộc đời bão tố/ Bỗng gặp anh – vùng biển lặng của mình” (Biển lặng) . Chưa kể chị còn nhiều bài khác, đọc mà muốn rơi nước mắt. Tuy thế, chị lại là một người mạnh mẽ. Tự xoay trở để làm việc trong các dự án phim truyện điện ảnh, tự lau nhà, sửa cửa. Sống ở căn chung cư nhỏ để tiện sinh hoạt, nhưng yêu thiên nhiên chị trút hết số tiền chắt chiu cả cuộc đời để mua một mảnh vườn nhỏ trên Sóc Sơn, tự mua cây về trồng để có một khoảng trời riêng bát ngát màu xanh và hoa quanh năm. Rồi, kể từ khi chồng mất (nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang nổi tiếng) cuối tuần chị một mình lái xe lên đó để trải lòng với bao la trời đất…
Nhà văn Trần Thị Trường là tác giả cuốn “Lời cuối cho em” và nhiều truyện ngắn khác. Chị được biết đến nhiều với tác phẩm “Phố Hoài”, những bài kí chân dung “Người muôn năm chưa cũ”. Người phụ nữ thông minh, sắc sảo, tài hoa, tràn đầy nghị lực, luôn tận tụy với bạn bè, sắc sảo trong sáng tạo nhưng rất hiền trong đời thường. Nhiều năm làm Trưởng ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam, làm gì cũng nhiệt tình và chu toàn, Trần Thị Trường được nhận danh hiệu Người phụ nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
Thơ Đoàn Thị Lam Luyến là tiếng thơ của người phụ nữ chân thành, nồng nàn, quyết liệt trong tình yêu. Người đàn bà trong thơ chị yêu mãnh liệt, thành thực với mọi cung bậc cảm xúc. Chị có nhiều bài thơ hay, được nhiều người nhập tâm, đón đợi. Không đánh bóng, không đỏng đảnh đề cao làm đẹp mình, không dấu diếm nỗi đau nên thơ chị được yêu thích cũng thật chân thành vì sự đồng cảm của bao người phụ nữ trong cuộc đời: “Em đầy ngộ nhận như tôi/Cũng yêu chí chết cái người mình yêu/ Cũng tìm những lối phong rêu/ Để rồi bước trật, bước trèo - uổng công” (Em gái)
Phải chăng vì khát khao yêu và yêu đến tận cùng nên người thơ rất dị ứng với những dối lừa, phản bội, hời hợt. Bài thơ khát vọng của chị được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc đồng điệu với giọng ca cháy bỏng của ca sỹ Thanh Lam: “Em muốn ôm cả đất/ Em muốn ôm cả trời/ Mà sao không ôm nổi/ trọn trái tim một người".
PGS.TS Phạm Thu Yến cũng là một người thơ. Trên giảng đường chị kỹ càng và khoa học bao nhiêu trong bài giảng, thì ở đời chị mơ mộng và lãng mạn bấy nhiêu. Những câu thơ của chị không ít người đã lấy để giãi bày với người yêu khi bị hiểu lầm: “Nếu cho em chọn lại từ đầu/ Người em chọn vẫn chỉ là anh đấy/Anh là cuộc đời em, giản đơn sâu sắc vậy/ Đừng ghen hờn với trái tim em”(Với em)
Hay như những câu đa nghĩa mà lại đầy sức quyến rũ:“Biết mình không cô đơn/ Bông hồng gai thiếp đi trong giấc mơ buồn” (Ám ảnh)… Và những câu hờn trách: “Khi đã vắt trái tim mình cùng kiệt/ Gặp được điều gì ở cuối những thờ ơ” (Xin đừng)…
Nếu các chị là những người của thơ tình thì cô em út ít Kim Nhũ thì lại da diết nỗi lòng với người thân, với cha mẹ, con cái và bạn bè. Có những câu đọc lên mà một trời nhớ thương cha mẹ ùa về: “Chỗ mẹ nằm còn đó chiếc bình vôi/Chơ vơ nằm, người đâu giờ chả thấy/Bình sứt miệng như vầng trăng khuyết vậy/Giống cuộc đời nhỡ gánh mẹ ta xưa” (Hoài niệm mẹ),“Người đàn ông lội qua bao bờ bến/ Bỗng chòng chành tựa diều bị cắt dây” (Nước mắt của cha)
Chị là một nhà báo, nguyên Phó TBT một tờ báo lớn, nhiều người cứ nghĩ chữ nghĩa của nhà báo khô cứng, không đa tình, đa cảm như nhà thơ, những khi đọc những câu sau đây tôi biết mình lầm: “Đêm đông một chiếc chăn đơn/ Tay run run đắp mẹ dồn ấm sang/ Khói lam ngóng mẹ đầu làng/Hai vai kĩu kịt mẹ mang chiều về” (Mẹ, lời ru)… Hay câu thơ đầy hình ảnh và tính ẩn dụ: “Người là thảm lúa vàng đợi gặt/ Còn ta như gốc rạ trắng phơi đồng”(Lỗi nhịp), cho thấy dáng dấp một nhà thơ có nhiều trải nghiệm báo chí nhưng vẹn nguyên một trái tim đa cảm.
*
Nói như một nhà phê bình văn học, họ, 6 người đàn bà này đều là những người nồng nàn, đắm đuối, đa đoan và đa sự, đa tình nữa. Thế mà họ lại hợp nhau, chơi được với nhau, tạo ra một khuôn mặt… nhóm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-ai-di-ganh-song-trang-10296753.html