Những ai 'gánh' pháp lý đầu tư, chấm điểm nhà thầu ở Dự án kênh Tham Lương?

Để phục vụ yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án 'Đưa hối lộ'; 'Nhận hối lộ' xảy ra tại Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn), Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị (Ban hạ tầng) cùng một số đơn vị liên quan, ngày 12/2 vừa qua Cục CSĐT tội phạm và tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục CSKT) Bộ Công an tiếp tục đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu của dự án…

Để phục vụ điều tra, Cục CSKT đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc tham mưu, báo cáo để lập, trình, thẩm định và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư; lập, trình, thẩm định và phê duyệt dự án; thẩm định kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đề xuất bố trí, phân bổ nguồn vốn và các nội dung khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các đơn vị liên quan trong quá trình ban hành chủ trương, triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra; nghiệm thu, quyết toán, bàn giao… đối với các gói thầu tại các dự án do Ban hạ tầng làm chủ đầu tư, Công ty Thanh Tuấn trúng thầu.

Cụ thể, gói thầu đoạn kè còn lại và 4 cống kiểm soát triều thuộc Dự án bờ tả sông Sài Gòn, từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi ở quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (Dự án kênh Tham Lương). Cục CSKT cũng đề nghị UBND thành phố cùng các sở, ngành rà soát, báo cáo, đánh giá kết quả được giao liên quan đến những gói thầu của dự án. Đồng thời cung cấp danh sách cán bộ, chuyên viên, lãnh đạo liên quan đến việc tham mưu để UBND thành phố ký các quyết định liên quan đến những dự án này.

Kênh Tham Lương vẫn ô nhiễm do mới chỉ được kè bờ.

Kênh Tham Lương vẫn ô nhiễm do mới chỉ được kè bờ.

Ngày 28/2, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời yêu cầu của Cục CSKT về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Dự án kênh Tham Lương. Trong đó, về danh sách cán bộ, lãnh đạo tham gia tham mưu, giải quyết đối với dự án trọng điểm này, đại diện Sở Xây dựng khẳng định chỉ có 4 người, gồm: chuyên viên thụ lý Nguyễn Thế Anh; Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Ngọc Minh Phú; Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Lê Quang Đạo và Phó Giám đốc sở Đặng Phú Thành. Nhân sự chỉ có 4 người tham gia, nhưng khối lượng công việc Sở Xây dựng phải giải quyết đối với dự án này rất lớn. Trong đó đối với việc lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư, sau khi UBND thành phố ra quyết định ngày 30/12/2020 về giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án, từ tháng 1 đến tháng 4/2021, Sở Xây dựng đã có 6 văn bản về góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; thông báo kết luận của Phó Giám đốc Sở Xây dựng về việc chuẩn bị đầu tư dự án; tờ trình về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án… Đến ngày 22/4/2021, HĐND thành phố đã ra nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này.

Đối với khâu lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Sở Xây dựng có 9 văn bản liên quan như thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; ý kiến kết luận của Phó Giám đốc Sở Xây dựng tại cuộc họp về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tờ trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án… trước khi dự án được UBND thành phố phê duyệt vào ngày 29/3/32022. Trong công đoạn lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trước khi UBND thành phố ra các quyết định phê duyệt vào tháng 6/2022, tháng 4/2023 và tháng 9/2024, Sở Xây dựng đã 3 lần có ý kiến đối với kế hoạch này. Về lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, Sở Xây dựng ra 14 văn bản cho ý kiến chung đối với các gói thầu và ý kiến riêng đối với lần lượt từng gói thầu.

Như Báo CAND đã thông tin, giữ vị trí chủ chốt trong các liên danh nhà thầu ở dự án trọng điểm này là Công ty Thanh Tuấn. Trong 9 gói thầu được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban hạ tầng phê duyệt trong vòng 3 ngày, Công ty Thanh Tuấn đều có mặt trong cả 9 gói thầu với tổng giá trị lên đến 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 3/4 tổng mức đầu tư của dự án.

Ngày 19/12/2022, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng ký quyết định phê duyệt cho liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn, Công ty CP đầu tư phát triển XD TM Thới Bình cùng một số doanh nghiệp khác trúng gói thầu XL-02, xây dựng đoạn kênh với chiều dài 2,3 km, tổng giá trị gần 503 tỷ đồng. Cùng ngày, liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn và các công ty tham gia nhận được 6 quyết định phê duyệt trúng 6 gói thầu của Dự án kênh Tham Lương. Sau đó 2 ngày, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng tiếp tục ký 2 quyết định phê duyệt cho liên danh của Công ty Thanh Tuấn trúng thêm 2 gói thầu của dự án.

Điều hết sức bất ngờ trong các quyết định phê duyệt này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng đều giao cho Trưởng ban điều hành dự án và Liên danh tư vấn giữa Công ty TNHH TKXD TMDV Ngô Trần, Công ty TNHH TV QLXD Sài Gòn, Công ty TNHH TM XD và ĐT Toàn Hưng Thịnh chịu trách nhiệm về tính trung thực, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện đánh giá kết quả hồ sơ dự thầu. Đồng thời chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác của các nội dung, tài liệu, số liệu trong kết quả lựa chọn nhà thầu đã trình duyệt.

Tìm hiểu vì sao có tình trạng trên, chúng tôi được biết dù là đại diện chủ đầu tư, nhưng Ban hạ tầng cũng chủ yếu quản lý về mặt hồ sơ, thủ tục pháp lý, còn lại gần như giao cho các doanh nghiệp tư vấn của tư nhân. Trong đó, việc báo cáo đánh giá E - hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đến báo cáo đánh giá E- hồ sơ đề xuất về tài chính của từng gói thầu… cũng chỉ có 5-7 kỹ sư hoặc cán bộ của các doanh nghiệp tư vấn với “mác” chuyên gia hoặc chuyên viên ký tên, chịu trách nhiệm việc thẩm định. Dù đã bỏ ra khá nhiều tiền để thuê một loạt doanh nghiệp tư vấn, thì khi dự án đang triển khai thi công, tháng 11/2024 UBND thành phố đã phải trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.200 tỷ đồng lên 9.030 tỷ; thời gian thực hiện dự án được kéo dài thêm 1 năm, hoàn thành vào năm 2026 với một loạt lý do mang tính chủ quan được nêu ra.

Báo cáo về tiến độ dự án với UBND thành phố vào ngày 19/2 vừa qua, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban hạ tầng cho biết, tính đến cuối tháng 1, khối lượng hoàn thành các hạng mục chính của dự án mới chỉ đạt hơn 43,5%. Ông Đậu An Phúc thừa nhận còn một số nhà thầu thi công rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ nên Ban hạ tầng đã phải xử phạt khối lượng chậm thực hiện theo hợp đồng đối với 2 nhà thầu. Dự án thi công ì ạch, nên trong năm 2024, dù được giao số vốn đầu tư công là 1.260 tỷ đồng, đến hết năm mới chỉ có 962 tỷ đồng được giải ngân.

Năm 2025, dự án được giao vốn 3.567 tỷ đồng, nhưng mục tiêu Ban hạ tầng đặt ra cũng chỉ là giải ngân được 2.387 tỷ. Vì vậy, ai chịu trách nhiệm về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là câu hỏi phải được UBND thành phố đặt ra đối với dự án trọng điểm này.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhung-ai-ganh-phap-ly-dau-tu-cham-diem-nha-thau-o-du-an-kenh-tham-luong--i768666/