Những ai sẽ đại diện vốn Nhà nước tại Vietcombank?
Ngày 10/1/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định cử người đại diện vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB).
Theo thông báo từ NHNN, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank sẽ đại diện 30% vốn và là người đại diện phụ trách chung tại Vietcombank.
Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ngành Tiếng Anh, đồng thời là thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP. Ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank với vị trí cán bộ phòng tín dụng quốc tế Hội sở chính. từ năm 1997 và từng đảm nhiệu nhiều cương vị quan trọng tại ngân hàng. Ông Tùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vietcombank kể từ ngày 26/7/2024.
Cùng với ông Tùng, 5 thành viên HĐQT khác của Vietcombank cũng được cử đại diện 50% vốn Nhà nước tại Vietcombank, mỗi người đại diện 10%, gồm: Ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị kim Oanh và ông Hồng Quang.
Hiện, NHNN đang sở hữu 74,8% vốn tại Vietcombank (4,2 tỷ cp), cổ đông chiến lược Mizuho Bank, Ltd. sở hữu 15% (hơn 838 triệu cp), Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) sở hữu 1,67% (hơn 93 triệu cp).
Mới đây, HĐQT Vietcombank cũng có nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 49,5%. Theo đó, nâng vốn điều lệ từ từ 55.890 tỷ đồng lên mức 83.557 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức được Vietcombank lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Kết quả kinh doanh của Vietcombank
Ngày 10/1, Vietcombank đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT, cho biết trong năm 2024 ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN và đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tính đến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấy ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới. Với mức kế hoạch được tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4 là 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023, con số lợi nhuận của Vietcombank được nhận định sẽ tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Cũng trong năm qua, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước gần 11.600 tỷ đồng và đạt mức vốn hóa trên 21 tỷ USD.
Số liệu công bố tại hội nghị, kết thúc năm 2024, tổng dư nợ của Vietcombank đạt 1,44 triệu tỷ đồng trong đó, tín dụng bán buôn tăng 15%, tín dụng bán lẻ tăng 12%. Tổng huy động của ngân hàng đạt 1,53 triệu tỷ, tăng gần 8% so với cuối năm trước.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhung-ai-se-dai-dien-von-nha-nuoc-tai-vietcombank.html